Cho đến nay, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, tinh thần của bản đề cương đã tạo ra sự chuyển động, thay đổi, phát triển của văn hóa Việt Nam, càng ngày càng hướng tới sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi phải đối diện với nhiều cơ hội, tiềm năng.
Chúng ta sở hữu nền văn hóa hàng ngàn năm lịch sử, với nhiều giá trị vật thể, phi vật thể, nhiều giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Có thời điểm mà dân số vàng, trong đó tỷ lệ người trẻ gia tăng, có khả năng chuyển hóa được các giá trị văn hóa truyền thống, sự sáng tạo, khoa học - công nghệ phát triển sẽ tạo ra diện mạo mới để mà một lần nữa, văn hóa trở thành một “mặt trận”. Nội dung của bản đề cương xác định, văn hóa là một “mặt trận” ngang hàng với kinh tế, chính trị; thì ngày nay, văn hóa sẽ là một “mặt trận” ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Và văn hóa chính là nguồn mạch để chúng ta phát triển đất nước bền vững hơn. Việc bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa hiển thị qua các giá trị, sản phẩm văn hóa, các hoạt động văn hóa, là một cách để chúng ta phát huy được nội lực, sức mạnh của văn hóa Việt Nam, trở thành một sức mạnh mềm trong tổng thể sức mạnh quốc gia.
Câu chuyện phát triển văn hóa không phải chỉ riêng ngành văn hóa mà còn cần sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta cần thảo luận bàn tròn, xoay quanh các giải pháp trong giai đoạn tới, như cần phải làm gì để văn hóa trở thành trụ cột của sự ưu tiên. Trước đây, chúng ta phấn đấu văn hóa được đầu tư tối thiểu 2% từ GDP, Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đã đưa ra mục tiêu như vậy, làm gì để văn hóa đạt được ngưỡng này thì cần các giải pháp về thể chế, đặc biệt là hợp tác công tư, luật thuế, ưu đãi cho nghệ sĩ, tạo sự dịch chuyển trong chuỗi các hoạt động của ngành công nghiệp văn hóa.
Văn hóa phải trở thành một “mặt trận” và đã là một mặt trận thì phải chiến đấu trên mặt trận ấy. Nếu muốn chiến đấu, phải tập trung sự ưu tiên, kích hoạt sự phát triển đó, do đó cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Văn hóa muốn được đầu tư, phát triển ngang hàng như sự đầu tư cho y tế, giáo dục, nhưng hiện nay chưa đạt được điều đó. Người làm văn hóa mong muốn có giải pháp đầu tư cho văn hóa, tối ưu hóa các nguồn lực cho văn hóa để văn hóa thực sự là một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Có một điều chúng ta cần xác định: Văn hóa cần được coi là ngành kinh tế mũi nhọn thì mới phát triển bền vững được, bởi Việt Nam là quốc gia vô cùng giàu tài nguyên về văn hóa nhưng cho đến nay, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới chiếm 3,61% GDP, tức là mới ở mức trung bình thế giới. Điều gì đã khiến cho văn hóa chưa thực sự phát huy được chính thế mạnh của mình? Điều gì khiến “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” đưa ra một mục tiêu là phát triển nền văn hóa tân dân chủ, thể hiện tinh thần dân tộc, khoa học, đại chúng, để chúng ta định vị được văn hóa Việt Nam với thế giới? Phải khẳng định, cho đến nay, những nguyên tắc đó vẫn còn nguyên giá trị.
Việt Nam là một quốc gia đang rà soát về khả năng xuất khẩu văn hóa, tuy nhiên chúng ta chưa định vị được, bởi vì muốn định vị được phải có thương hiệu, số liệu đáng tin cậy hoặc thuyết phục, nhưng ở Việt Nam các số liệu liên quan đến công nghiệp văn hóa, chỉ số phát triển văn hóa vẫn chưa được hoàn thiện. Những việc đang làm đều dựa vào khung của UNESCO dành cho các nước đang trong quá trình chuyên nghiệp hóa hệ thống dữ liệu. Đầu tư cho văn hóa cần được đầu tư bằng chính hệ thống dữ liệu về văn hóa, có như vậy mới thành một “mặt trận”…