Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý đã tập trung thảo luận, bàn các giải pháp đột phá để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành lúa gạo; giải pháp để định vị giá trị hạt gạo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao ra thế giới.

Hiện nay, trên thị trường xuất khẩu có 3 loại gạo: thường, chất lượng cao và cấp cao. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, chiếm tới 60 - 70%; gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, 10 - 15% còn lại là gạo thường. Theo thống kê, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường khó tính nhờ chất lượng cao. Việt Nam không chỉ là vựa gạo của Đông Nam Á mà còn của thế giới.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), để đẩy mạnh xuất khẩu cần cân đối cung cầu mặt hàng gạo của các bên liên quan; tăng cường nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu....

Tại hội thảo, các đại biểu cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" thời gian qua. Để đề án được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần thắt chặt hơn nữa mối liên quan giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị (nông dân, dịch vụ, công ty xuất khẩu, thị trường, tài chính, tiêu chuẩn lúa Việt xanh, phát thải thấp). Đồng thời, đẩy mạnh chia sẻ, trao đổi về thị trường, công nghệ, kinh nghiệm áp dụng mô hình 1 triệu ha...