Phố hay quê
Trước những áp lực của đời sống hiện đại, đâu đó người ta vẫn còn níu giữ định kiến “giàu nhà quê, không bằng ngồi lê thành phố”… Ở “thế giới phẳng”, câu chuyện nhà quê - thành phố càng dễ bị so sánh hơn bao giờ hết, không ít người vì hai chữ thị dân mà chấp nhận “cày ngày cày đêm” để bám trụ lại thành phố.
Hơn 5 năm ra trường, số dư trong tài khoản còn xa mới có thể tính toán đến việc mua nhà, Ngô Hoài Hồng Ân (28 tuổi, nhân viên thiết kế nội thất, ngụ quận Bình Thạnh) chọn thuê phòng trọ cách chỗ làm hơn 18km. Đường xa, đi - về đủ mệt, nhưng chưa bao giờ Hồng Ân nghĩ đến việc lập nghiệp ở quê.
Hồng Ân chia sẻ: “Trong khả năng tài chính của mình, tôi chỉ có thể ở nhà thuê bình dân và chi tiêu trong chừng mực. Biết rằng về quê, chi phí sinh hoạt sẽ thấp hơn, đi làm cũng gần với gia đình nhưng tôi lại thấy không quen. Ở quê ít nhiều sẽ mang tiếng không thành công mới quay về nhà, mặc dù ở đây tôi thấy mình chẳng mấy gọi là thành công; chưa kể, mỗi khi về nhà dịp lễ tết, giỗ chạp, gặp người quen cũng được cái tiếng trên thành phố về”.
Ở trọ ngoại thành gần 5 năm để tiết kiệm sinh hoạt phí và mỗi ngày chấp nhận quãng đường gần 15km để vào nội thành đi học đến lúc đi làm, Nguyễn Hữu Thanh (26 tuổi, kiến trúc sư cảnh quan, ngụ huyện Bình Chánh) cho biết: “Tôi chọn ở trọ ngoại thành từ lúc học đại học vì mức giá “mềm” hơn, như vậy khoản tiết kiệm mỗi tháng sẽ thêm được một chút, dù mỗi ngày chạy xe đi học hay đến lúc ra trường đi làm cũng oải lắm. Trong tuần, tôi tranh thủ xử lý công việc trực tiếp để có thể dành ra một ngày làm việc ở nhà, đỡ phải chạy xe đi lại. Nhóm bạn bè tôi, cũng gần một nửa học đại học xong thì về quê lập nghiệp, và giờ đến lượt tôi. Chọn về quê lập nghiệp cũng đắn đo, áp lực lắm chứ, nhất là mang tiếng “đi học cho đã cũng về quê”, nhưng thôi kệ, miễn sao cuộc sống mình thoải mái hơn là được rồi”.
Chuyện nhà trên mạng xã hội
Các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, nhiều bạn trẻ nhanh nhạy nắm bắt trở thành nhà sáng tạo nội dung số và có thu nhập “khủng” từ việc chia sẻ video nấu ăn, câu chuyện gia đình trên mạng xã hội… Điều này trở thành câu chuyện phổ biến trong hành trình lập nghiệp của một bộ phận người trẻ thời 4.0.
Sau khi ra trường, vài năm làm việc xa nhà, Đỗ Tình (sinh năm 1992, quê Kiên Giang) chọn trở lại quê nhà làm việc để gần gũi bên cha mẹ. Không dễ dàng chọn trở về nhà trong cái tuổi còn thích bay nhảy, nhưng Đỗ Tình ưu tiên gia đình trên hết bởi cha mẹ cũng đã ở cái tuổi xế chiều.
Đỗ Tình kể về quyết định của mình: “Lúc chọn trở về nhà, tôi phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều mới đưa ra được quyết định. Vì lúc ấy tôi vẫn muốn được nhiều trải nghiệm hơn ở những nơi xa, muốn được khám phá, cơ hội thăng tiến trong công việc hơn. Tuy nhiên, khi tôi biết tin mẹ bệnh và nhận ra cha mẹ đã lớn tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều, tôi đã mạnh dạn đưa ra quyết định về nhà mà không suy nghĩ nhiều nữa. Thời điểm tôi quyết định về nhà cũng là lúc phát hiện mẹ có khối u ở não, cần điều trị và theo dõi, tôi trở về nhà làm việc để tiện chăm sóc mẹ và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”.
Câu chuyện gia đình dung dị được Đỗ Tình chia sẻ qua những video bữa cơm nhà, cảnh mẹ ngồi xay bột hay cha đi ruộng về… trên kênh “Chuyện nhà Út Tình” (hơn 10.000 lượt thích và khoảng 200.000 lượt theo dõi trên nền tảng Facebook) nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng mạng xã hội.
Đỗ Tình kể: “Khi cùng cha mẹ quay clip, ban đầu tôi gặp không ít khó khăn về việc chọn góc quay, cách quay, rồi cách chỉnh sửa clip. Chủ ý của tôi là chỉ muốn lưu giữ lại những khoảnh khoắc ý nghĩa của gia đình và chia sẻ đến mọi người về những mâm cơm nhà. Cha mẹ xưa nay chỉ quen làm ruộng, làm vườn, ban đầu khi cha mẹ nấu cơm, tôi cầm máy quay thì cả nhà ngại lắm, nhìn nhau cười trừ. Nhưng các video dần dần được ủng hộ từ bạn bè và nhiều người xem trên mạng xã hội, cha mẹ quen từ từ, rồi hai ông bà nhắc nhớ lại cho tôi về những mâm cơm quê ngày xưa, những câu chuyện lúc tôi còn nhỏ, từ đó giúp tôi có nhiều ý tưởng về sau hơn để làm nội dung phong phú”.
Trở thành nhà sáng tạo nội dung số đồng nghĩa với việc chia sẻ khá nhiều hình ảnh, câu chuyện bản thân và gia đình lên mạng xã hội. Trong “thế giới phẳng” đó, các bạn trẻ cũng mạnh dạn trước những bình luận trái chiều hay cố tình soi mói.
“Có lần, một bình luận chê khi mẹ tôi nấu ăn không mang bao tay, tôi cũng sẵn sàng giải thích lại, việc nấu cơm ở nhà là chuyện thường ngày, các dì các mẹ đảm bảo sạch sẽ chứ rất ít người mang bao tay. Chưa kể, tay chân nhà nông làm đồng, xong việc thì rửa sạch sẽ chứ đâu thể làm nail, chăm sóc móng tay dài để nhìn cho đẹp như hình ảnh trên tivi được. Tôi giải thích để cha mẹ hiểu, hướng dẫn ông bà cách lên mạng, xem tin tức nào phù hợp, tránh ảnh hưởng không tốt đến tâm lý chỉ vì vài bình luận không hay”, Đỗ Tình tâm sự.