Định nghĩa “thành công” mới trong âm nhạc

Với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ điện tử, các nội dung do người dùng đăng tải ngày càng đa dạng và sống động. Nhờ đó, trong những năm nay, thị trường âm nhạc chứng kiến nhiều trào lưu bùng phát mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng sâu rộng. Điều này vừa tạo cơ hội, vừa đặt ra thách thức cho nghệ sĩ trong hành trình khẳng định mình.

“Số phận mới” của tác phẩm

Trước đây, truyền thông về sản phẩm âm nhạc mới của nghệ sĩ thường dựa vào quảng cáo trên mạng xã hội dưới dạng bài viết, hình ảnh, video, hoặc nhờ vào sự quan tâm và chia sẻ từ phía khán giả. Cách quảng bá này tương đối dễ kiểm soát hiệu quả và vốn quen thuộc với các công ty quản lý truyền thông.

N6a.jpg
Hoàng Thùy Linh trong video trình diễn vũ đạo của bài hát See Tình. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, lượng thông tin mạng ngày càng dày đặc đã đặt ra những thử thách trong việc mang sản phẩm âm nhạc tiếp cận số đông. Nhiều trường hợp việc quảng bá chưa kịp phát huy tác dụng đã bị “đánh bại” bởi những video ngắn lên xu hướng (trending). Biến khó khăn thành cơ hội, tận dụng sự phát triển của loại hình video ngắn, nhiều nghệ sĩ quyết định thay đổi hướng sản xuất âm nhạc để phù hợp với kiểu truyền thông mới mẻ này.

Các video trending thường có 2 dạng: cùng thể hiện một vấn đề (kể chuyện, thực hiện thử thách…) và cùng sử dụng một nền nhạc (quay hiệu ứng đặc biệt, nhảy theo vũ đạo của bài hát…). Trong đó, nền nhạc của các video trending dài khoảng 30-60 giây, có giai điệu bắt tai và nhịp điệu sôi động. Thời lượng này vừa khớp với một đoạn khoảng 4-8 câu hát. Vì thế, trong các sản phẩm âm nhạc của những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng một vài đoạn nhạc cao trào, đầy năng lượng và nhịp điệu dễ nghe, dễ cảm. Với mục đích khiến bài hát của mình thành trend, một số nghệ sĩ còn đăng cả đoạn video nhảy mẫu, thậm chí là hướng dẫn nhảy để khán giả tiếp cận và quay theo.

Tiêu chí để bài hát trở thành nền nhạc cho một video trending không cố định, phụ thuộc vào thị hiếu nhất thời của khán giả. Dù không có giai điệu sôi động, một số bài hát vẫn trở thành xu hướng nhờ có phần lời độc đáo. Điển hình như phần hát của Thùy Chi khi song ca cùng rapper Nhật Hoàng trong bài hát Anh đã làm được gì đâu. Với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ êm ái, đoạn nhạc này được sử dụng trong hàng ngàn video ngắn như một lời an ủi, động viên cho những người đang gặp khó khăn hoặc mất phương hướng trong cuộc sống.

Cần hiểu rõ giới hạn

Có thể thấy việc cho ra đời sản phẩm âm nhạc song song với tạo trend mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Nghệ sĩ vừa quảng bá được bài hát mới với hiệu quả vượt bậc so với kiểu quảng cáo truyền thống, khán giả vừa có thêm nội dung thú vị để xem và thực hiện theo. Định hướng mới này tuy có tính giải trí cao, thu hút nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng lại khó cân bằng. Một tác phẩm âm nhạc cần có sự hài hòa giữa giải trí và nghệ thuật. Việc chú tâm quá mức vào xu hướng truyền thông mới đang dẫn đến sự xuất hiện của những bài hát được đánh giá là “vui nhộn nhưng vô nghĩa”.

Trong phần bình luận về bài hát mới ra của ca sĩ Đ.P.Q., nhiều khán giả thể hiện sự bất mãn khi nội dung bài hát không có ý nghĩa gì đặc biệt, thậm chí còn có phần khiếm nhã khi ẩn ý về mối quan hệ nam nữ. Tuy MV bài hát được đầu tư hình ảnh rực rỡ, bắt mắt, nhưng nhiều khán giả cho rằng, MV này quá “phí tiền” khi có lời bài hát vô nghĩa. Những tưởng ca khúc này sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng, ấy vậy mà lại nhận được sự quan tâm ngoài sức tưởng tượng. Sự vô lý đến khó hiểu của bài hát lại trở thành điểm thú vị, khi người dùng liên tục “chế” ra nhiều phiên bản mới của bài hát như: bolero, nhạc Giáng sinh, nhạc Tết…, để sử dụng làm nhạc nền cho video ngắn.

Với sự phát triển của hình thức video ngắn, đôi khi chỉ cần một đoạn nhạc ngắn lên xu hướng, thì tên tuổi của người hát cũng “theo gió” mà “bay cùng diều” và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, để bài hát đọng lại trong lòng khán giả qua năm tháng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sau khoảng thời gian lên xu hướng, một số bài hát nhanh chóng chìm vào quên lãng, một số bài chỉ có mỗi đoạn điệp khúc (hoặc đoạn lên xu hướng) là được nhớ đến, một số bài tiếp tục được nhiều người biết đến, nhưng lại bị xếp vào diện “không nên hát”.

Định nghĩa “thành công” đối với mỗi nghệ sĩ khi phát hành tác phẩm âm nhạc cũng có nhiều khác biệt. Tuy vậy, dù mục đích ban đầu khi ra bài hát có là nhằm hướng đến số đông, hay bất kỳ lý do nào khác, thì sự cân bằng giữa yếu tố giải trí và nghệ thuật luôn cần được đảm bảo, vì mỗi tác phẩm âm nhạc đều đại diện cái tôi của nghệ sĩ, cũng như góp phần phản ánh chất lượng chung của nền âm nhạc nước nhà.

Tin cùng chuyên mục