Đình làng TPHCM - trăn trở lối vào du lịch

Hệ thống đình làng tại TPHCM đóng vai trò như những chứng nhân lịch sử, lưu giữ bản sắc và tinh thần Nam bộ. Để nguồn di sản trăm năm này trở thành động lực và tài nguyên trong tiến trình định vị bản sắc cũng như khai thác du lịch văn hóa, có không ít thách thức.

Nơi neo giữ văn hóa truyền thống

Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch văn hóa là chiến lược quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế. Tại tọa đàm “Du lịch di sản văn hóa TPHCM gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng” do Hội Di sản văn hóa TPHCM phối hợp Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tổ chức sáng 6-11, nhiều đại biểu tham dự cùng chung quan điểm, “chất liệu” tối ưu nhất để phát triển du lịch văn hóa ở TPHCM chính là vốn văn hóa bản địa, là linh hồn để phát triển du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố.

G6A.jpg
Khách tham quan đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp). Ảnh: CHÍ HÙNG

Trên địa bàn thành phố hiện có 188 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 128 di tích cấp thành phố. Thành phố cũng sở hữu hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể và trên 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng... với nhiều điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

ThS Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “TPHCM là nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa phong phú và đa dạng, trong đó hệ thống đình làng cổ xưa đóng vai trò như những chứng nhân lịch, nơi neo giữ những giá trị văn hóa từ quá khứ cho hiện tại và mai sau”.

Cũng theo ThS Phan Bửu Toàn, hiện trên cả nước gần như chỉ có đình cổ Bình Thủy (Cần Thơ) đưa vào khai thác du lịch hiệu quả, luôn có mặt cố định trong các tour, tuyến tham quan… Các địa phương còn lại, như TPHCM dù sở hữu gần 300 đình làng, nhưng hoàn toàn không có trong các tour cố định.

Nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề, với kiến trúc đặc sắc và giá trị văn hóa độc đáo, các đình làng tại TPHCM đáng lẽ đã trở thành một điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống ở TPHCM. Tuy nhiên, trong khi các di tích như chùa, nhà thờ đã trở thành điểm đến quen thuộc trong các hành trình tham quan, thì các đình làng với những giá trị văn hóa và lịch sử phong phú lại chưa được đưa vào các chương trình City Tour.

Xây dựng cộng đồng đặc trưng quanh đình

Du lịch di sản văn hóa góp phần thúc đẩy quá trình tiếp xúc, giao lưu các giá trị văn hóa qua dòng khách du lịch nội địa và quốc tế với cư dân thành phố. Tuy nhiên, vấn đề khai thác, phát huy các di sản, di tích ở TPHCM vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế. Các đình tại TPHCM xuống cấp từ nhiều năm nay như: đình Tân Quy Đông (quận 7), đình Tân Hội (quận 12), đình Tân Túc, đình Phú Lạc (huyện Bình Chánh)… điều này ít nhiều là trở ngại để các công ty du lịch có thể đưa vào khai thác.

Bà Trương Thị Anh Mỹ, Trưởng Phòng Hướng dẫn nội địa, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontouris, chia sẻ: “Để khai thác các đình làng vào các tour cố định cho du khách khi đến tham quan TPHCM, ngoài yếu tố về văn hóa thì còn cần cả các nền tảng cơ sở khác như bãi đậu xe, nhà vệ sinh, khuôn viên đón khách…, mới có thể đón được những đoàn du lịch đông người. Đặc biệt, các đình cũng cần có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có những câu chuyện thật hấp dẫn liên quan đến ngôi đình để kể cho khách. Bởi nếu chỉ thuyết minh theo kiểu cung cấp thông tin, thì khó khơi gợi sự hứng thú với khách tham quan và không thể duy trì sức hút trong đường dài”.

Và một trở ngại trong việc đưa đình làng ở TPHCM vào tour tham quan chính là việc kiến tạo cộng đồng đặc trưng quanh đình. “Nhiều quốc gia trên thế giới, trong tour du lịch của họ chỉ có một ngôi đình nhỏ, nhưng quanh đó là cả một ngôi làng, cộng đồng dân cư với nét sinh hoạt, tập tục được lưu giữ hàng trăm năm. Khách không chỉ đến tham quan ngôi đình, mà còn trải nghiệm cuộc sống người dân địa phương, mua sắm các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương…, đó chính là cách để chúng ta mời gọi khách đến tham quan, và giữ chân khách quay lại lần 2, lần 3”, bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Intertravel, bày tỏ.

Bà LÊ TÚ CẨM, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM:

Chú trọng từ khía cạnh bản sắc địa phương

Trong thời gian tới, Hội Di sản văn hóa sẽ cùng Sở VH-TT TPHCM tổ chức tập huấn thực hành nhạc lễ Nam bộ ở các đình, vì chúng ta là tỉnh thành Nam bộ, việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản cũng phải đúng với khởi nguyên ban đầu của di sản. Các đình làng ở Nam bộ phải mang nét đặc trưng về kiến trúc, nhạc lễ của Nam bộ thì mới tạo ra điểm khác biệt, tạo ấn tượng với khách tham quan, làm cơ sở để các hướng dẫn viên thuyết minh câu chuyện đặc sắc cho du khách.

Tin cùng chuyên mục