Định kiến là rào cản của phim lịch sử

Ngày 9-11, tại hội thảo với chủ đề “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" diễn ra ở Hà Nội (trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2024), các đạo diễn, nhà sản xuất, người làm điện ảnh... đã mổ xẻ nhiều rào cản của phim lịch sử tại Việt Nam.

Bối cảnh phim Đất rừng phương Nam
Bối cảnh phim Đất rừng phương Nam

Tự bó buộc mình

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của nhiều truyện ngắn được chuyển thể thành phim, cho rằng, có nhiều thách thức trong việc chuyển thể các tác phẩm văn học và khai thác đề tài lịch sử. Theo ông, lâu nay các nhà làm phim Việt Nam thường có tâm lý "ý tứ quá mức" đối với các tác giả văn học và vấn đề lịch sử, dẫn đến kìm hãm sự sáng tạo. Thay vì bứt phá để tạo ra những góc nhìn mới mẻ và có chiều sâu, họ lại lo ngại về việc phản ánh chưa đúng lịch sử hoặc không đúng tinh thần nguyên tác. Điều này vô tình tạo ra một "nỗi sợ hãi mơ hồ" mà các nhà làm phim tự áp đặt lên mình khiến nhiều tác phẩm khi ra đời trở nên nhạt nhòa và thiếu cá tính.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên tắc không làm sai lệch sự thật lịch sử là vô cùng quan trọng nhưng không có nghĩa là loại bỏ quyền sáng tạo của các nhà làm phim. Thay vào đó, sáng tạo là để làm nổi bật các khía cạnh của bối cảnh, nhân vật và tư tưởng của lịch sử hay văn học, khiến khán giả có cái nhìn sống động hơn về quá khứ. Tuy nhiên, các nhà làm phim Việt Nam dường như lại lo sợ sự chỉ trích từ dư luận nếu tác phẩm của họ có chút hư cấu, dẫn đến việc tự bó buộc.

Việc khán giả vẫn chưa mở lòng với các tác phẩm nghệ thuật táo bạo về văn hóa và lịch sử khiến các dự án chuyển thể và phim lịch sử gặp nhiều cản trở. Để các tác phẩm chuyển thể từ văn học hay khai thác lịch sử thành công, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà làm phim, nhà quản lý, thị trường và cả khán giả. Các bên cần có cái nhìn bao dung và hiểu biết, không nên quy chụp một cách thô thiển về ý nghĩa tác phẩm hay về ý đồ của tác giả và nhà làm phim. Chính những rào cản từ định kiến là yếu tố gây cản trở sự phát triển của dòng phim này.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cùng chung quan điểm khi cho rằng cần phải làm rõ khái niệm về phim lịch sử và tác phẩm nghệ thuật. “Điện ảnh chỉ mang tính chất kể lại câu chuyện dưới góc nhìn mới mẻ. Đòi hỏi tác phẩm điện ảnh chính xác như lịch sử thì quá khó!”, đạo diễn Charlie Nguyễn nhấn mạnh.

Cái khó của làm phim lịch sử không chỉ với người sáng tạo mà đơn vị quản lý cũng gặp áp lực lớn. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ câu chuyện liên quan tới phim Đất rừng phương Nam khi xuất hiện luồng ý kiến trái chiều từ công chúng. “Cục Điện ảnh phải họp, báo cáo về bộ phim 3 lần. Không khí rất căng thẳng. Thậm chí tôi đã từng nói rõ rằng, nếu muốn có người đứng ra nhận trách nhiệm thì hãy cách chức Cục trưởng Cục Điện ảnh”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

Chia sẻ với người làm phim lịch sử, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, tôn trọng lịch sử là trách nhiệm đạo đức của tất cả mọi người, trong đó các nghệ sĩ và nhà làm phim cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện lòng tự tôn và niềm tự hào dân tộc thông qua nghệ thuật. Luật Điện ảnh có một số quy định nhằm bảo vệ sự thật lịch sử trong phim ảnh. Những điều cấm này nhằm tránh việc bóp méo hay xuyên tạc sự thật lịch sử, có thể gây hiểu nhầm và tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả về các sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng. Đây là những ranh giới cần thiết để đảm bảo các tác phẩm không đi lệch khỏi mục tiêu giáo dục và tôn vinh lịch sử. Nhưng nghệ thuật vẫn có chỗ cho sự sáng tạo trong các "khoảng trống" để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và có sức sống hơn. Kết hợp giữa tính xác thực và sáng tạo, điện ảnh lịch sử sẽ có thể chạm đến trái tim khán giả, tạo nên những tác phẩm vừa có giá trị giáo dục vừa mang tính nghệ thuật cao và mục tiêu của đặt hàng điện ảnh là để hướng đến mục đích này.

CN3a.jpg
Hội thảo chủ đề “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học"

Thuế giá trị gia tăng hiện là gánh nặng

Theo các chuyên gia, phim truyện lịch sử giúp tái hiện lại những sự kiện, con người và câu chuyện có ý nghĩa trong quá khứ, giúp khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về cội nguồn, quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Qua phim ảnh, lịch sử trở nên sống động và dễ tiếp cận, không chỉ là kiến thức khô khan trong sách vở mà là những câu chuyện cảm động và đầy màu sắc.

Nhà sản xuất Trinh Hoan cho rằng, phim lịch sử đòi hỏi kinh phí cao, trong khi khả năng hoàn vốn không được đảm bảo như các phim thị trường giải trí. Việc thu hút đầu tư khá khó khăn nên các nhà đầu tư có xu hướng ưa chuộng những bộ phim thương mại, có tính giải trí cao vì dễ dàng hoàn vốn và đáp ứng thị hiếu khán giả, tránh rủi ro. Cũng theo nhà sản xuất này, cần thiết phải có hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước để thúc đẩy phát triển dòng phim lịch sử. Điện ảnh là một ngành nghề mang tính đặc thù cao và gặp nhiều rủi ro nên mức thuế giá trị gia tăng hiện hành là một gánh nặng đáng kể cho các nhà sản xuất phim. Sự hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước, đặc biệt là các khoản vay ưu đãi, có thể giúp các nhà sản xuất giảm bớt rủi ro và mở rộng cơ hội thực hiện các bộ phim lịch sử. “Không kích thích bằng kinh tế thì khó có thể phát triển sản xuất phim được”, ông Trinh Hoan nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục