Theo đó, các mục tiêu chính là hỗ trợ gia đình, tạo môi trường sống an toàn và tiện nghi, phát triển tiềm năng con người, môi trường sinh thái tốt đẹp, đi đầu về công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước và đô thị, kinh tế và xã hội. Đặc biệt, tăng hệ số sinh lên 1,6 vào năm 2030 và 1,8 vào năm 2036, tăng tuổi thọ trung bình lên 78 vào năm 2030 và 81 vào năm 2036. Tổng thống Nga cũng đặt nhiệm vụ hạ tỷ lệ nghèo xuống dưới 7% vào năm 2030, trong đó tỷ lệ nghèo của gia đình đông con sẽ phải hạ xuống 12% vào năm 2030; bảo đảm tăng lương lao động tối thiểu gấp hai lần vào năm 2030 từ mức năm 2023 hay ít nhất lên 35.000 rouble/tháng (gần 400 USD). Tổng thống V.Putin cũng ra lệnh phải đảm bảo Nga lọt vào top 10 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển vào năm 2030.
Sắc lệnh trên được ký trong bối cảnh kinh tế Nga được đánh giá đang đi đúng hướng khi tiếp tục đột phá, có sự linh hoạt và khả năng thích ứng với các biện pháp trừng phạt và các tình huống khẩn cấp khác. Theo tờ The Economist, nền kinh tế Nga đã trở lại mức hoạt động trước xung đột, bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Nga năm nay tăng 3,2%, cao hơn Mỹ và nhiều nước phương Tây. IMF nhận định xuất khẩu dầu ổn định và chi tiêu công duy trì ở mức cao đã kéo tăng trưởng Nga đi lên. Tiêu dùng và đầu tư trong nước cũng sôi động. Hoạt động xuất khẩu đang phục hồi và nguồn thu ngoại tệ ổn định. Tiền tiết kiệm hộ gia đình cũng tăng lên, đảo ngược xu hướng đi xuống hồi đầu năm nay.
Chính phủ Nga cho biết lệnh trừng phạt của phương Tây lên các ngành kinh tế chủ chốt chỉ giúp nước này ngày càng tự chủ hơn. Những tín hiệu kinh tế khả quan đã trở thành yếu tố chính hỗ trợ cho thắng lợi thuyết phục của Tổng thống Vladimir Putin vừa qua.