Chính sách xanh, tiêu chí xanh, mô hình xanh xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực
Ngày 31-1, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam và các chuyên gia, nhà khoa học về quy hoạch cùng các sở ngành. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị.
Góp ý tại hội thảo, hầu hết ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, đề án còn mang tính chung chung, số liệu một số lĩnh vực lạc hậu không sát thực tế. Do vậy, đơn vị tư vấn cần xem xét, đánh giá cụ thể định hướng quy hoạch, đặc biệt hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối với các tỉnh thành liền kề, làm rõ liên kết vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực; 5 đô thị vệ tinh có cơ chế như thế nào để thu hút nguồn nhân lực, nguồn vốn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thực hiện ra sao phải có chương trình, phương án, kế hoạch cụ thể.
Về dân số, cần tính toán dựa trên cơ sở đang sinh sống và làm việc hiện tại chứ không phải tính dựa trên hộ khẩu như hiện nay. Tổ tư vấn cần đánh giá phân tích làm rõ mô hình tăng trưởng của Thành phố tập trung vào vấn đề gì... Nhìn chung, đề án chưa phân tích được những rủi ro, xu hướng dịch chuyển lao động trí thức, công nghệ… nhiều vấn đề chưa sát với thực tiễn của Thành phố, còn nhiều vấn đề chưa tương thích, Thành phố cần có nhiều hội thảo để phân tích thêm.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị đơn vị tư vấn cần phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Định hướng phát triển kinh tế Thành phố là “xanh và số”.
Về 9 tiêu chí “xanh-số” của Thành phố phải được thể hiện trong tất cả các tiêu chí trên mọi lĩnh vực, không được bỏ sót ngành nào. Trong đó, 3 yếu tố cơ bản: Chính sách xanh - tiêu chí xanh - mô hình xanh trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Công nghiệp của Thành phố phát triển những ngành mới như vi mạch, điện tử, chíp, bán dẫn, ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghệ cao, loại bỏ toàn bộ những ngành nghề có thâm hụt lao động của 20 năm về trước. Tầm nhìn như vậy sẽ tạo ra hướng đi mới, không gian phát triển mới và giá trị mới không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả nước.
Liên kết giữa Thành phố và các tỉnh là giải pháp định hướng cho quy hoạch lần này. Cụ thể, ưu tiên ngành phát triển để phân chia quy mô của từng loại để thực hiện; nghiên cứu phát triển công nghệ cao trên mọi lĩnh vực; nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực; phát triển thương hiệu có tính định hướng cho cả vùng… Yếu tố để tạo ra giá trị gia tăng là gì, cần xác định rõ yếu tố “đột phá” như công trình gì, dự án gì, chính sách gì cụ thể để thực hiện (chỉ cần vài dự án có chính sách đột phá) ngay từ bây giờ.
Thời gian tới, Thành phố sẽ họp hai nhóm hội đồng cùng hai nhóm tư vấn và hai tổ phản biện về quy hoạch chung Thành phố. Văn phòng UBND TPHCM thông báo cho các đơn vị tư vấn chỉ tập trung hai điểm định hướng không gian phát triển hạ tầng và định hướng không gian phát triển các ngành kinh tế.