Trong đó, việc tổ chức bài thi khảo sát chất lượng đầu vào môn Mỹ thuật - một trong 2 môn nghệ thuật lần đầu tiên triển khai từ năm học 2022-2023 tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) được xem là cách làm táo bạo nhưng cần thiết.
Đại diện Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, kết quả khảo sát nhằm giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp và lựa chọn môn học phù hợp. Hiện nay, một bộ phận học sinh và phụ huynh có tâm lý chọn môn học “nhẹ” để giảm áp lực học tập ở bậc THPT. Tuy nhiên, Mỹ thuật là một trong những môn học mang tính đặc thù, do đó học sinh cần có năng khiếu cũng như định hướng nghề nghiệp rõ ràng trước khi lựa chọn môn học này.
Học sinh tham gia khảo sát được yêu cầu thực hiện một tác phẩm tranh vẽ chủ đề “Sự hồi sinh của thành phố sau đại dịch Covid-19”. Các em được tạo cơ hội phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chủ động trong tất cả yếu tố về ý tưởng, bố cục, màu sắc. Qua bài thi khảo sát, đã có 42 học sinh được tuyển chọn vào lớp Mỹ thuật. Theo Hiệu trưởng Bùi Minh Tâm, giáo viên Mỹ thuật được “mượn” từ trường THCS và thỉnh giảng từ các trường đại học.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), Phó hiệu trưởng Nguyễn Hùng Khương cho biết, nhà trường khuyến cáo học sinh không nên thay đổi môn trong quá trình học. Nếu sau một thời gian học thấy không phù hợp, học sinh được tạo điều kiện đổi môn học với điều kiện lớp muốn chuyển qua còn khả năng tiếp nhận học sinh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi môn học chỉ nên thực hiện ở giữa học kỳ 1 vì nếu kéo dài lâu hơn sẽ khó bù đắp kiến thức cho học sinh.
Theo cô Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), nhằm giúp học sinh và phụ huynh cân nhắc đưa ra lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp, các trường THPT đã tổ chức nhiều buổi tư vấn gồm tư vấn chung ở sân trường, tư vấn riêng, tư vấn qua các công cụ trực tuyến để giải đáp thắc mắc, hạn chế tối đa việc thay đổi sau khi lựa chọn môn học.
Đại diện các trường đều cho biết, do là năm đầu tiên triển khai chương trình mới nên phụ huynh và học sinh còn khá bỡ ngỡ khi tiếp cận các tổ hợp môn học. Tuy nhiên, để giáo dục đạt hiệu quả, về lâu dài cần có thêm sự chuẩn bị, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc THCS nhằm giúp các em xác định môn học thế mạnh cũng như nhu cầu làm việc trong tương lai, từ đó đưa ra lộ trình học tập phù hợp. Để làm được điều này, trong các hoạt động trải nghiệm ở bậc THCS, học sinh cần được giới thiệu, thậm chí tạo cơ hội làm quen, thử sức với các ngành nghề lao động trong xã hội, từ đó có cơ sở xác định định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT.