14 tháng cầm quyền, 43 quan chức trong nội các “ra đi” để hướng tới một chính phủ mà Tổng thống Donald Trump mong muốn. Tuy nhiên, quan điểm của những nhân sự mới sẽ tác động như thế nào đối với các “hồ sơ” lớn mà nước Mỹ đang can dự với thế giới?
Sóng gió nhân sự
Trong số những nhân sự “cộm cán” của Nhà Trắng từ chức hoặc bị sa thải trong 14 tháng cầm quyền, người đầu tiên phải kể đến là Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn. Vụ từ chức của ông Flynn vào thời điểm chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống Donald Trump “tiếp quản” Nhà Trắng gần như chưa xảy ra trên chính trường Mỹ.
Ông Flynn đã từ chức sau khi có nhiều thông tin về liên lạc của ông với Nga. Theo New York Times, hiện ông này vẫn đang hợp tác với các công tố viên trong cuộc điều tra về mối quan hệ giữa đội ngũ chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump và Nga.
Ngoài ra, một trong những quyết định cứng rắn và gây nhiều tranh cãi nhất của Tổng thống Donald Trump là sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey vào ngày 9-5-2017.
Tổng thống Donald Trump cho rằng chính cách xử lý không hợp lý của ông Comey trong cuộc điều tra về vụ bê bối thư điện tử của cựu ứng viên Tổng thống Hillary Clinton để làm việc công là lý do bị sa thải.
Hiện nay ông James Comey đang làm giáo sư, diễn giả về các chuyên đề chính sách công tại trường Đại học Howard. Ngày 18-8-2017, Tổng thống Donald Trump đã quyết định sa thải Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon, người giúp định hình chính sách nước Mỹ trước tiên của Tổng thống Trump từ lúc còn tranh cử.
Sau Cố vấn An ninh Quốc gia H.R.McMaster (trái) và một số quan chức bị sa thải, ai là người tiếp theo?
Đầu tháng 1-2018, đến lượt Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe “ra đi” sau khi bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích do thiên vị ứng cử viên Dân chủ Hilary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Bước qua tháng 3, “mở hàng” là Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Gary Cohn.
Cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ từ chức mà không đưa ra lý do cụ thể nào. Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, ông Gary Cohn là “kiến trúc sư trưởng” kế hoạch cải tổ chính sách thuế năm 2017 của Tổng thống Donald Trump và là người phản đối mạnh mẽ các lực lượng ủng hộ chính sách bảo hộ trong nội các của Tổng thống Donald Trump.
Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R.McMaster là 2 nhân vật quan trọng mới nhất bị sa thải chỉ trong vòng 10 ngày. Theo báo New York Times, Tổng thống Donald Trump đang dự tính thay thế toàn bộ nhóm luật sư đại diện cho ông.
Tiết lộ được đưa ra sau khi người đứng đầu nhóm luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, ông John Dowd, tuyên bố rút khỏi nhóm tư vấn pháp lý cho ông trong vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ ngày 22-3 vừa qua.
Trong những ngày qua, Tổng thống Donald Trump luôn bác bỏ lời cố vấn của các luật sư, và bắt đầu một chiến thuật “hung hăng” hơn trong việc tấn công ông Robert Mueller, điều tra viên độc lập trong vụ Nga bị tố cáo xen vào bầu cử Mỹ hồi năm 2016.
Khẳng định lợi ích “Nước Mỹ trên hết”
Ngay sau khi cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố với báo giới : “Tôi thật sự đã đến gần việc có được nội các theo ý muốn” với những người có cùng tiếng nói. Trong khi Tổng thống Donald Trump coi thỏa thuận hạt nhân với Iran là “có vấn đề” thì ông Rex Tillerson lại coi là “rất ổn”.
Đối với Tổng thống Donald Trump, ông Bolton, vừa được bổ nhiệm thay ông H.R.McMaster, có chung quan điểm trong chính sách đối ngoại diều hâu, đặc biệt là về vấn đề Triều Tiên và Iran, đồng thời không thích ngoại giao đa phương, cho dù đó có là Liên hiệp quốc (LHQ) hay là làm việc với Liên minh châu Âu (EU).
Trong lúc này, ông John Bolton được cho là đang lên kế hoạch sa thải quy mô lớn nhân sự Hội đồng An ninh Quốc gia, cách chức hàng chục quan chức của Nhà Trắng.
Tạp chí Foreign Policy dẫn các nguồn tin cho biết, ông Bolton mới tháng trước còn nhận định “Triều Tiên là mối đe dọa với Mỹ, do đó Mỹ có quyền tự vệ bằng cách tấn công Triều Tiên trước khi quá muộn”.
Cho nên, ông này sẵn sàng “dọn sạch nhà” và cách chức gần như tất cả nhân vật chính trị được người tiền nhiệm H.R. McMaster, theo đường lối mềm mỏng hơn với Triều Tiên, bổ nhiệm.
Cả 3 nhân vật cộm cán là Ngoại trưởng R. Tillerson, Cố vấn An ninh Quốc gia A.McMasster và Cố vấn Kinh tế hàng đầu Gary Cohn trước đây đều là những chiến lược gia mang quan điểm truyền thống khi tin rằng lợi ích toàn cầu của Mỹ chỉ bền vững dựa trên các trụ cột về đồng minh, tự do thương mại và hệ giá trị.
Việc Tổng thống Donald Trump cam kết áp đặt mức thuế mới đã khiến cố vấn Gary Cohn rời Nhà Trắng do lập trường phản đối của ông với chính sách này.
Theo giới phân tích, sự ra đi của những nhân vật này và sự thay thế bằng những nhân vật có quan điểm cứng rắn như Tổng thống Donald Trump báo hiệu một giai đoạn mới quyết liệt của nội các Tổng thống Donald Trump để bảo vệ lợi ích quốc gia, đẩy lập trường của nước Mỹ theo hướng “cực hữu” hơn.
Tổng thống Donald Trump đang muốn nhanh chóng đưa những cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử nhanh chóng trở thành hiện thực để giành thêm sự ủng hộ trong bối cảnh sắp đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Thách thức và quyết tâm
Thay thế Ngoại trưởng Tillerson là Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo, người được cho là có quan điểm và lập trường “vô cùng tương đồng” với Tổng thống Donald Trump.
Động thái sa thải Ngoại trưởng Mỹ Tillerson được đánh giá là để Tổng thống Donald Trump dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra. Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ đưa ra những quyết định cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại.
Là lãnh đạo CIA, ông Pompeo luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa. Ông Pompeo cũng tuyên bố Trung Quốc là quốc gia đang gây xáo trộn tại Trung Đông.
Số phận thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Mỹ và các nước đạt được với Iran cũng đang bị đe dọa khi Nhà Trắng cho đây là một thỏa thuận tồi còn các nước châu Âu thì cho đây là một thành tích ngoại giao đáng giá trong nhiều thập niên qua.
Iran sẽ là phép thử đầu tiên của ông Pompeo. Cả ông Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đều ủng hộ thỏa thuận hạt nhân trong khi Tổng thống Donald Trump và ông Pompeo nhiều lần cho thấy họ không hài lòng với điều này.
Ngay cả dư luận tại Trung Đông cũng cho biết, Iran cũng được cho đang chuẩn bị đối phó với tình trạng bất ổn trong mối quan hệ với Mỹ cũng như nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân 2015 sau khi Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm Giám đốc CIA làm Ngoại trưởng.
Theo cựu Đại sứ Iran tại LHQ Ali Khorram, cánh “diều hâu” đang dần thay thế phe ôn hòa trong Chính phủ Mỹ và ông Pompeo là “gã cao bồi” mong muốn phát động chiến tranh với Iran tương tự cuộc chiến ở Iraq.
Nguy cơ Mỹ sẽ đơn phương gia tăng sức ép cả với châu Âu và Iran về vấn đề hạt nhân. Khả năng bế tắc có thể khiến Tổng thống Donald Trump rút lui khỏi thỏa thuận này. Nếu điều này diễn ra như dự báo của giới quan sát, tình hình Trung Đông sẽ còn phức tạp.
Không chỉ cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc, Iran, ông Pompeo cũng nổi tiếng “diều hâu” trong vấn đề thương mại. Điều này khiến rất nhiều quốc gia lo ngại, nhất là trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố áp đặt mức thuế cao đối với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ hay là đòn trừng phạt thương mại vừa tuyên bố áp dụng với Trung Quốc tuần trước.
Trong khi đó, sau sự ra đi của cố vấn Gary Cohn, không còn ai ở Nhà Trắng có ảnh hưởng để lên tiếng về những hậu quả trực tiếp của việc tăng thuế này đối với nền thương mại của Mỹ.
Ngày 25-3, hãng tin Kyodo đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc biện pháp nhằm vào mặt hàng đậu nành và máy bay nhập khẩu từ Mỹ để đáp trả quyết định của Tổng thống Donald Trump bổ sung áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 60 tỷ USD. Trung Quốc là nước mua đậu nành của Mỹ nhiều nhất thế giới và cũng là một khách hàng lớn của hãng sản xuất máy bay Boeing của nước này.
Theo nguồn tin trên, có thể Trung Quốc cũng xem xét giảm mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, một động thái nhiều khả năng sẽ làm leo thang hơn nữa căng thẳng thương mại những ngày gần đây giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trước đó, ngày 23-3, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ (tổng trị giá 3 tỷ USD), sau khi Tổng thống Donald Trump cho phép đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực mà Washington cho là đã “ăn cắp” công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ tạm hoãn áp mức thuế này đối với các đối tác thương mại chính của Mỹ, bao gồm EU cùng Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc.
Động thái này của Mỹ được cho là “chọc tức” Trung Quốc khi quốc gia này đang là nhà xuất khẩu thép số 1 thế giới và làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tóm lại, khi mà nội các của Tổng thống Donald Trump toàn những nhân sự theo đường lối cứng rắn, chắc chắn nước Mỹ sẽ dùng sức mạnh để bảo vệ “nước Mỹ trên hết”. Từ nay quyền lực của Tổng thống Donald Trump được củng cố và tăng cường, trong khi thế giới sẽ phải tìm cách đối phó với một nước Mỹ mạnh mẽ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ.