Tại Áo, nam thanh niên đến tuổi sẽ được gọi đi nghĩa vụ quân sự 6 tháng hoặc đi nghĩa vụ dân sự 9 tháng. Được gọi không nhất thiết phải đi ngay, nhưng phải đăng ký thời gian phù hợp để thực hiện, thời gian thực hiện 18 - 35 tuổi. Trong thời gian đi nghĩa vụ, ai có gia đình gặp khó khăn về tài chính, lương không đủ chi phí sẽ được nhà nước trợ cấp.
Con trai đầu của chị Ngân chọn làm việc ở nhà trẻ để có thêm kinh nghiệm trong việc học nghề giáo viên sau này. Chị Ngân cho biết: “Công việc của con chủ yếu chuẩn bị đồ ăn trong bếp, dọn bàn cho trẻ ăn; khi rảnh thì chơi cùng các bé. Từ khi thực hiện nghĩa vụ dân sự, con có trách nhiệm hơn, đặc biệt là có kinh nghiệm làm việc trong một tập thể”.
Tại Pháp, nam nữ thanh niên 16 - 18 tuổi bắt buộc phải tham dự khóa học về quân sự 1 - 2 ngày, có thể học ngay trong doanh trại quân đội, hoặc trường quân sự... Phải có chứng chỉ này mới được đăng ký học lái xe, học nghề sau trung học hoặc muốn vào đại học.
Trường trung học chỉ thông tin, giới thiệu chứ không chịu trách nhiệm giúp học sinh đăng ký hoặc tổ chức cho cả lớp học khóa này. Gia đình có con đến tuổi phải ra ủy ban đăng ký để được gửi giấy về nhà xem sẽ học vào ngày nào.
Chị Việt Hà ở Pháp có 2 con trai theo khóa này, kể: “Các con nói cả ngày được ngồi nghe giảng kiến thức chung về quân đội, nhưng không trực tiếp hướng dẫn sử dụng vũ khí, cũng không phải tập luyện gì. Quan trọng là phải có mặt đúng giờ, học đúng giờ, ăn đúng giờ theo quân lệnh”.
Con trai lớn của chị Việt Hà đang học năm thứ ba đại học nhưng tháng 9 vừa qua đã quyết định đổi hướng, muốn theo đường binh nghiệp bằng cách thi tuyển vào L’École des officiers de la gendarmerie (trường Hiến binh). Đã vượt qua vòng thi tuyển văn hóa gồm Toán - Tiếng Pháp - Tiếng Anh. Thời điểm này, con trai chị Hà chú trọng tập luyện thể lực để chuẩn bị cho kỳ thi sức khỏe vào tháng 2-2021. Một cựu sĩ quan quân đội Bỉ có vợ là người gốc Việt kể, thi tuyển vào trường quân sự ở châu Âu rất chú trọng ngôn ngữ, bởi binh lính bên cạnh nghĩa vụ quốc gia còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quốc tế của NATO, EU... Việc thi tuyển theo con đường binh nghiệp ngày càng khắt khe.
Chị Nga ở Thụy Điển thì cho biết con trai chị vừa tự tìm hiểu thông tin và tham gia kỳ thi tuyển vào trường quân sự. “Con tôi rất thích theo nghề này nhưng trình độ tiếng Thụy Điển của cháu không đạt do sang đây học trường quốc tế chuyên tiếng Anh”.
Không ép con học, không quá mong đợi thành tích, thế hệ cha mẹ gốc Việt ở châu Âu hiện nay chủ yếu khuyến khích con tự học và chọn nghề, sống có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Một số gia đình có con theo đường binh nghiệp ở Pháp dĩ nhiên cũng có tâm trạng lo lắng khi con chọn nghề khó, “chính phủ cần thì bất cứ lúc nào cũng phải lên đường, không thể từ chối.”
Nhưng trên hết vẫn là niềm tin vào sự thay đổi tích cực và trưởng thành của con, như chị Việt Hà tâm sự: “Khi có ý định chuyển ngành học, con rất có ý thức về giữ gìn nếp sống. Không hút thuốc, không bia rượu để chuẩn bị thể lực tốt cho vòng thi sức khỏe”. Đây đã có thể gọi là bước trưởng thành trong cuộc sống.