Sòng phẳng và quyết liệt
Dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO GO trên FPT Play vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam. Các nội dung có trên nền tảng này gồm các phim do HBO sản xuất; các bộ phim chiếu rạp đặc sắc của châu Á; các kênh truyền hình trực tuyến HBO, Max by HBO, Red by HBO...
Đặc biệt, người hâm mộ điện ảnh có cơ hội theo dõi các phim do HBO sản xuất khởi chiếu cùng ngày với Mỹ và các bom tấn Hollywood mới nhất đến từ các hãng phim hàng đầu của Mỹ lần đầu được chiếu trên hạ tầng truyền hình trả tiền toàn cầu.
Chia sẻ về cơ hội hợp tác lần này, ông Vũ Anh Tú, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom nói: “Nếu nói về cơ duyên, không dễ để một công ty hàng đầu như HBO có thể làm việc với một công ty công nghệ như FPT. Sự kiện ra mắt HBO GO đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực cung cấp những sản phẩm, nội dung hay đến với khán giả, bên cạnh những trải nghiệm tuyệt vời.
Ông cũng tiết lộ, quá trình tiếp cận với HBO bắt đầu từ năm 2016 và đơn vị này cùng công ty trung gian là Q.net đã theo đuổi rất nỗ lực, kiên định và có những lúc tưởng chừng không thể hợp tác cùng nhau.
Để có được cái gật đầu này, phía FPT đã trải qua quá trình kiểm định về kỹ thuật, chất lượng nghiêm ngặt từ đội ngũ chuyên gia HBO từ Mỹ. Ưu tiên hàng đầu của họ là chọn đối tác có nền tảng công nghệ chắc chắn. Ngược lại, HBO GO cũng phải tuân thủ về mặt hành lang pháp lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, hiện nay phía cơ quan quản lý nhà nước luôn hỗ trợ sáng kiến, mô hình kinh doanh liên kết lấy trải nghiệm người dùng là trung tâm và đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật nhà nước. HBO GO hiện được Thông tấn xã Việt Nam kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung. Phía HBO GO cũng cam kết tôn trọng pháp luật Việt Nam.
Với sự có mặt của HBO Go, thị trường OTT (truyền hình internet) tại Việt Nam đang cho thấy cuộc cạnh tranh vừa quyết liệt, vừa sòng phẳng. Trước đó, thị trường đã có không ít đơn vị khai thác ở lĩnh vực này như VTV Go, Danet, Fim+, ZingTV, ClipTV… Người dùng tại Việt Nam hiện cũng sử dụng Netflix - dịch vụ hàng đầu thế giới ở lĩnh vực này dù nó chưa chính thức có mặt.
Hoàn thiện pháp lý
Đánh giá thị trường, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các giải pháp xem phim trực tuyến tại Việt Nam hiện chưa thực sự phát triển. Vì nó chưa phải là một thị trường chín muồi, vẫn còn lẫn lộn giữa thật và giả, trả tiền và không trả tiền cùng cả vấn đề vi phạm bản quyền.
“Tôi cho rằng thị trường đang lẫn lộn chưa phải là thị trường phát triển. Bởi nếu đúng, những người làm đúng, làm tốt phải có cơ hội phát triển hơn nữa. Trên phương diện quản lý, chúng tôi ủng hộ cái tốt, cái đúng phát triển và không phân biệt trong hay ngoài nước, chỉ cần tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam. Đúng ở đây là tất cả được quản lý về nội dung, không phải để siết chặt mà theo định hướng nhà nước. Mọi đối tác phải được đưa về cùng mặt bằng pháp luật”.
Ông Thanh Lâm khẳng định, việc này hoàn toàn làm được khi các văn bản pháp lý, đặc biệt là Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình đang được sửa đổi, trình Chính phủ và sớm có hiệu lực trong thời gian tới.
Hiện nay, sở dĩ vẫn còn các đơn vị kinh doanh, kể cả nước ngoài chưa được chính thức cấp phép vẫn hoạt động là vì còn những “khoảng trống pháp lý”. Điều này từng khiến nhiều nhà cung cấp nội dung trong nước bức xúc và gọi cuộc cạnh tranh đó là quá căng thẳng, không sòng phẳng.
Một câu hỏi được đặt ra với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài là, nội dung địa phương sẽ ở đâu khi vào Việt Nam. Ông Thanh Lâm đặt vấn đề, khi họ vào không chỉ là câu chuyện giới thiệu sản phẩm của họ mà sản phẩm của Việt Nam nếu đủ tốt phải được xuất hiện trên các nền tảng đó. Phía Netflix từng chia sẻ họ có tiêu chuẩn với từng đối tác địa phương, trong đó có việc đầu tư về nội dung.
Trong khi đó, với HBO GO, theo ông Jonathan Spink, Tổng giám đốc điều hành HBO Asia: “Chúng tôi đã sản xuất một số nội dung địa phương châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng trong việc xây dựng series truyền hình có bối cảnh Việt Nam và việc này sẽ được xúc tiến trong thời gian tới”.
Một tồn tại khác là câu chuyện vi phạm bản quyền. Theo ông Lâm, câu trả lời cuối cùng thuộc hành vi người tiêu dùng trong việc chọn dịch vụ có nguồn gốc (dù mất phí) nhưng được bảo vệ hay dịch vụ vi phạm nhưng không ai bảo vệ.
Ông khẳng định, việc của cơ quan nhà nước cần làm là để từ nhận thức đến thay đổi hành vi đó diễn ra sớm hơn nhưng “không thể tiếp tục sử dụng vi phạm bản quyền vừa đòi hỏi nhà nước có giải pháp chống lại cái đó”.
Thời gian tới đây, ngoài việc sẽ xử phạt mạnh tay với các đơn vị, trang web, ứng dụng… chiếu các nội dung vi phạm bản quyền và pháp luật, vấn đề quan trọng hơn là ngăn chặn điều đó bằng các biện pháp kinh tế và kỹ thuật.
Ngay cả với các trang web không biết chủ sở hữu hay đặt máy chủ nước ngoài, hoàn toàn có thể cấm, treo tên miền hay ngăn chặn dòng tiền chảy vào bằng cách phối hợp với các công ty về thanh toán, quản lý dòng tiền…