Định hình tầm mức mới quan hệ Việt - Trung

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ 12 đến 13-12, cùng với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022, sẽ định hình khuôn khổ quan hệ Việt - Trung trong thời gian tới với một tầm mức mới.

n3e-5330.jpg

Điều này được thể hiện trong 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ ngành, địa phương hai nước; thể hiện sự hợp tác toàn diện mà hai bên đạt được trong chuyến thăm.

Trong 36 văn bản được ký kết, có 4 văn bản lĩnh vực chính trị - đối ngoại; 4 văn bản hợp tác an ninh - quốc phòng về phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp; 24 văn bản về hợp tác trên các lĩnh vực thực chất cấp Chính phủ, bộ, ngành; 4 văn bản hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Thứ nhất, các văn bản được ký kết cho thấy tin cậy chính trị hai bên sẽ cao hơn, toàn diện hơn. Đây sẽ là cơ sở để giúp giải quyết những vấn đề còn khác biệt tồn tại giữa hai bên.

Thứ hai, về ngoại giao, chúng ta có thể xem đây là một thắng lợi của đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển”. Đây cũng là điểm sáng trong công tác đối ngoại của Việt Nam nói chung.

Thứ ba, trong số 36 văn bản được ký kết, có nhiều nội dung liên quan đến hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, cơ sở hạ tầng. Đây cũng là nội dung được dư luận đang rất quan tâm. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Nếu tính đơn lẻ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, đến năm 1992 kim ngạch thương mại hai nước chỉ có 32 triệu USD. Nhưng đến năm 2022, con số này đã lên gần 176 tỷ USD, tức là tăng lên tới 5.500 lần. Hiện nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc có tiềm năng rất lớn với Việt Nam. Trung Quốc là quốc gia có công nghệ tiên tiến trong xây dựng đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc. Hơn 70% tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới nằm ở Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, vì thế, việc hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước có vai trò quan trọng và có tiềm năng hợp tác lớn.

Trên cơ sở các văn bản đã được ký kết, sắp tới, có thể hai bên sẽ có những cuộc gặp gỡ để bàn bạc kỹ hơn, sâu hơn. Mục đích là sao cho kết nối được hạ tầng giao thông, tạo cơ sở đẩy mạnh hoạt động hợp tác giao thương, phát triển kinh tế. Điều này cũng rất có ý nghĩa khi năm 2024 là năm đánh dấu mốc tròn 20 năm sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai” được hai bên đưa ra và ký thỏa thuận hợp tác (năm 2004), gồm hai hành lang kinh tế là: “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” và hành lang “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng”; cùng một “Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ” nhằm hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch.

Sau mỗi chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc sang Việt Nam, quan hệ hai nước đều có bước phát triển mới, có lợi cho nhân dân Việt Nam, có lợi cho nhân dân Trung Quốc, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ nước Tập Cận Bình cũng không ngoại lệ. Việt Nam không có nguyện vọng tha thiết gì hơn là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân. Đây là những lợi ích rất căn bản. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng với các văn bản được ký kết sẽ giúp tin cậy chính trị hai nước được nâng lên cao hơn, hợp tác hiệu quả và thực chất hơn, phục vụ mục đích hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển vì lợi ích của hai nước.

Tin cùng chuyên mục