Ngày 23-1, ngay sau khi đến Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự các sự kiện đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 (WEF Davos 2019) với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Vai trò Việt Nam được đánh giá cao
Ngày 23-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề “Cuộc gặp các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương”.
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng cho rằng lĩnh vực này rất cần phải có những đột phá, nhất là huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực để ứng phó với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và hỗ trợ cho các quốc gia bị tác động nặng nề nhất.
Thủ tướng đề nghị thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường biển.
Với môi trường siêu kết nối trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội phát triển cho nhiều lĩnh vực, trong đó có bảo vệ biển - đại dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương; hoan nghênh cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên khu vực biển Đông.
Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc WTO bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội mọi mặt của Việt Nam. Ngài Roberto Azevedo khẳng định WTO sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhân lực về hội nhập, thương mại quốc tế.
Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa WEF và Việt Nam trong năm vừa qua, trước đó, ông Justin Wood, Giám đốc WEF khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, tại Diễn đàn Davos năm nay, ông Justin Wood cho biết WEF sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác với Việt Nam và đó sẽ là bước đà để hai bên có thể xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Cụ thể, hai bên sẽ cùng ký kết 2 thỏa thuận đối tác quan trọng. Thứ nhất là thỏa thuận về quản trị vấn đề rác thải nhựa - vấn đề mà ông Wood cho rằng tất cả các nền kinh tế đều vướng mắc. Thỏa thuận thứ hai mà WEF và Việt Nam sẽ ký kết là hợp tác trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tính tới thời điểm hiện tại, WEF đã xây dựng 4 trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) trên thế giới, với trụ sở chính đặt tại San Francisco, Mỹ. Ý tưởng đằng sau trung tâm này đó là kết nối chính phủ với những lãnh đạo doanh nghiệp để hợp tác nhằm tìm kiếm cách thức ứng xử với công nghệ theo cách có trách nhiệm nhất, đem lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội, cũng như đảm bảo rằng những công nghệ tiên tiến được khai thác đúng mục đích.
Với chủ đề trên, Diễn đàn Davos 2019, diễn ra từ ngày 22 đến 25-1, đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới.
Phát biểu tại WEF, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi “xây dựng lại” lòng tin đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định nền kinh tế thế giới đang được cải thiện từng bước và ở mức độ vừa phải, nhưng thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ. Theo ông Shinzo Abe, tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, những rắc rối của Brexit và tranh cãi thương mại Mỹ - Trung đặt ra nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới. Ông nhấn mạnh cải cách WTO sẽ giúp giảm bớt các căng thẳng thương mại.
Cũng chia sẻ quan điểm trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các thể chế đa phương không thể bị hạ cấp. Trong phát biểu của mình tại WEF, bà Merkel nhấn mạnh cấu trúc toàn cầu sẽ chỉ hoạt động nếu chúng ta sẵn sàng thỏa hiệp. Theo bà, các nước phương Tây cần cải cách các thể chế toàn cầu để chống lại tình trạng chia rẽ thế giới đa phương. Phát biểu của ông Abe và bà Merkel đã tạo thành một “cú huých kép” của các nhà lãnh đạo nước lớn ủng hộ hợp tác toàn cầu.