Định hình đô thị từ mô hình TOD

Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) cho phép TPHCM thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD). TPHCM đang khẩn trương triển khai kế hoạch, đề án phát triển TOD dọc các tuyến metro, đường vành đai, định hình đô thị, khơi thông nguồn lực để phát triển.

Nhiều tiềm năng khai thác tối đa giá trị quỹ đất dọc tuyến metro số 1. Trong ảnh: Hạ tầng giao thông tại ngã ba Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhiều tiềm năng khai thác tối đa giá trị quỹ đất dọc tuyến metro số 1. Trong ảnh: Hạ tầng giao thông tại ngã ba Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cập nhật kinh nghiệm từ thế giới

Mô hình TOD được nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ… áp dụng và phát huy hiệu quả tích cực trong việc giải tỏa các điểm nghẽn về giao thông, phát triển đô thị. Ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, TPHCM đã khẩn trương thực hiện các đề án, kế hoạch triển khai mô hình này với kỳ vọng làm điểm cho cả nước. Trong các chuyến công tác đến các quốc gia, lãnh đạo TPHCM dành nhiều thời gian để tìm hiểu về mô hình TOD, cập nhật kinh nghiệm để áp dụng.

Cụ thể, trong chuyến công tác tại Nhật Bản vào cuối tháng 9-2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã tham quan khu tái quy hoạch Shibuya, đây được xem là mô hình mẫu trong phát triển TOD, là một trong 23 khu đặc biệt của thủ đô Tokyo. Địa danh Shibuya được biết đến qua khu thương mại sầm uất xung quanh nhà ga Shibuya, một điểm giao thông tấp nập bậc nhất ở Tokyo. Chủ tịch UBND TPHCM đã tham khảo kinh nghiệm về cách thức quy hoạch, tổ chức các hệ thống TOD xung quanh nhà ga; về những công trình được xem là biểu tượng của Shibuya trong việc triển khai mô hình TOD.

Cùng với tham khảo kinh nghiệm từ nước ngoài, TPHCM cũng tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện mô hình này. Tại phiên họp Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 hồi giữa tháng 12-2023, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Đại học Việt Đức, đánh giá, phát triển TOD dọc tuyến metro của TPHCM sẽ đánh dấu sự đổi mới, đột phá để TPHCM phát triển. Theo PGS-TS Vũ Anh Tuấn, cơ hội phát triển theo mô hình TOD của TPHCM là rất lớn, bởi các tuyến metro của thành phố đều được quy hoạch đi từ trung tâm thành phố ra vùng ngoại thành. Vì vậy, TPHCM áp dụng TOD để chỉnh trang đô thị hiện hữu và phát triển đô thị mới dạng nén, mật độ cao.

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, cũng nhận xét, TPHCM đang xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị với mục tiêu thực hiện 220km metro đến năm 2035. Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM cần được quyền lập và phê duyệt quy hoạch 1/500 hệ thống metro theo khu vực nhà ga TOD. Từ đó có nguồn lực để đấu giá quyền phát triển dự án, tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro. Việc thực hiện các tuyến metro cũng cần kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị khu vực TOD.

Khơi thông nguồn lực phát triển

Từng có kinh nghiệm tham gia xây dựng mô hình TOD ở TP Thượng Hải (Trung Quốc), KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, phát triển mô hình này cần có thời gian dài. Bởi việc phát triển hạ tầng phải đi qua các khâu từ lập dự án, thu hồi đất, đấu giá thu hồi vốn về ngân sách…, các bước này tốn nhiều năm.

l3a-6538.jpg
Hình dáng đường Vành đai 3 nằm song song với đường Nguyễn Thị Ly tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lấy ví dụ về tuyến metro số 1, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, dự án hoàn thành đưa vào khai thác chỉ mới đi được 1/4 chặng đường của mô hình TOD. Tiếp theo, TPHCM phải phát triển hệ thống giao thông kết nối, phát triển hạ tầng để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh và sinh sống dọc tuyến… Ông nhận định, dù thực hiện rất khó nhưng nếu TPHCM thành công sẽ không chỉ cho thành phố mà còn phục vụ sự phát triển của cả nước, và khi định hình được mô hình cho tuyến metro số 1 thì việc phát triển TOD ở các dự án khác sẽ rất thuận tiện.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm chia sẻ, trước mắt thành phố thí điểm mô hình này ở khu vực nhà ga tuyến metro số 1 và xây các nút giao thuộc dự án đường Vành đai 3, sau đó sẽ áp dụng cho nhiều dự án giao thông khác. Theo ông Trần Quang Lâm, TPHCM đang xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035 theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị. Do đó, thành phố sẽ có đề án để cụ thể lộ trình phát triển TOD gắn với đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai.

Trong khi đó, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã thông tin, TOD cũng là phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay, sở đang rà soát quỹ đất xung quanh nhà ga metro số 1, đường Vành đai 3, nhưng để triển khai mô hình này thì cần có những cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tham gia, từ đó tạo nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai. Về quỹ đất, sau khi Sở TN-MT rà soát đất chưa sử dụng, đất sử dụng chưa hợp lý, Sở QH-KT sẽ cân đối gia tăng chỉ tiêu có liên quan, như chức năng thương mại, cho phép gia tăng dân số để làm nhà ở, cải thiện môi trường xung quanh… Từ đó, tạo quỹ đất hình thành khu đô thị dọc các tuyến giao thông công cộng, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục