Chưa đề cập đến những nguyên nhân liên quan đến quy hoạch mạng lưới và triển khai các dự án, thấy rằng Hà Nội vốn được đánh giá là có lượng nước ngầm dồi dào. Trong tổng số khoảng 1,5 triệu m³ nước sạch cung cấp cho thành phố mỗi ngày đêm, nước ngầm chiếm 770.000m³, nước mặt 750.000m³.
Tuy nhiên, do khai thác tự phát kéo dài, mực nước ngầm đã sụt giảm, gây sụt lún đất, ô nhiễm asen. Để bảo đảm cấp nước an toàn, một số nhà máy đã đóng cửa giếng ngầm. Vậy nhưng, thực tế đó chưa được nhìn nhận thấu đáo - nước vẫn chưa được định giá đúng mức và cơ chế giá nước vẫn còn nhiều bất hợp lý.
Nhiều nhà đầu tư phản ánh họ gặp khó khăn do giá bán lẻ thấp trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng. Sự chênh lệch giá bán buôn giữa các đơn vị cung cấp nguồn nước (giá bán buôn nước mặt sông Đuống cao hơn nước mặt sông Đà khoảng 3.000 đồng/m³) nên nguồn nước giá rẻ được mua tối đa và nhiều khu vực như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, dù gần sông Đà hơn, lại bị thiếu nguồn nước.
Những khúc mắc trong quản lý nguồn nước sạch như tại Hà Nội không phải hiếm, và dự kiến sẽ có những điều chỉnh bởi các quy định mới trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Đó là điều người dân, cử tri mong chờ, gửi gắm ý kiến đến kỳ họp Quốc hội lần này.