Với người khỏe mạnh, việc ăn uống là nhu cầu hàng ngày để duy trì cho sự sống, các hoạt động và sự phát triển. Tùy vào cơ địa, độ tuổi, thể trạng, công việc… nhu cầu dinh dưỡng là khác nhau. Còn đối với người bệnh việc ăn uống không những để duy trì sự sống, mà còn giúp cơ thể hồi phục, vượt qua bệnh tật. Những trường hợp bệnh nặng, nhu cầu dinh dưỡng càng cần được chú trọng, nó đóng góp một phần không nhỏ vào khả năng phục hồi của người bệnh cũng như thời gian phục hồi sớm hay muộn.
Dinh dưỡng trong thời gian bị bệnh
Người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng. Nếu không chú trọng về dinh dưỡng rất dễ suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng hơn trong thời gian mắc bệnh cũng như giai đoạn hồi phục. Với những người bệnh có thể ăn uống được qua đường miệng thì việc chăm sóc dinh dưỡng vẫn cần chú trọng sao cho đủ dưỡng chất, hợp khẩu vị, người bệnh phải được cung cấp đủ nhu cầu hàng ngày. Nhưng với các trường hợp đặc biệt, bệnh nặng như suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt, các phẫu thuật đường ruột… việc cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân trở nên khó khăn hơn.
Lựa chọn thức ăn
Với tiêu chí, đảm bảo dinh dưỡng, dễ sử dụng, dễ tiêu hóa và hấp thụ đối với cơ thể người bệnh đang đau đớn, mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn. Cần phải có sự động viên, khuyến khích, của người thân, nhân viên y tế, bên cạnh đó thức ăn phải mềm, loãng giúp người bệnh dễ nuốt, dễ tiêu hóa hơn. Lựa chọn thực phẩm như thế nào để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu, đó là những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá nạc, trứng, tôm, cua, rau củ... băm nhỏ, chế biến lỏng, mềm, cho ăn ít một, ăn nhiều lần trong ngày. Đồng thời tăng cường hoa quả, hoặc nước ép trái cây tươi để bổ sung vitamin, khoáng chất. Cần thiết bổ sung thêm những thực phẩm giàu năng lượng và dưỡng chất, dễ sử dụng dành cho người bệnh, người cần hồi phục sức khỏe.
Nuôi ăn qua ống thông dạ dày
Tại các bệnh viện, các khoa hồi sức, hậu phẫu… khi người bệnh không tự ăn được, sẽ được các bác sĩ chỉ định nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch hoặc nuôi ăn qua ống thông dạ dày. Trong đó, nuôi ăn qua ống thông rất cần thiết vì nó sẽ cung cấp đủ năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng bằng con đường tự nhiên, đảm bảo dinh dưỡng hơn mà vẫn duy trì hoạt động của đường tiêu hóa, tránh được nguy cơ thoái hóa, rối loạn chức năng tiêu hóa do không hoạt động lâu ngày…
Nuôi ăn qua ống thông cũng theo nguyên tắc đủ năng lượng và dưỡng chất. Vậy lựa chọn thực phẩm như thế nào để vừa đủ loãng để bơm vào ống thông nhỏ xíu chưa bằng ngón tay út, với một lượng vừa phải cho người bệnh, mà vẫn đảm bảo đủ nhu cầu về dinh dưỡng? Có thể xay nhuyễn các thức ăn được nấu thành cháo với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng gồm gạo, thịt (hoặc cá, trứng, tôm, cua, lươn…), rau xanh, dầu ăn… để dùng cho người bệnh. Cách này cũng tốt, tuy nhiên việc nấu nướng trong điều kiện đang nằm viện là vô cùng khó khăn, việc bảo quản thức ăn cũng không đơn giản. Chính vì vậy việc lựa chọn những sản phẩm dinh dưỡng dành riêng cho đối tượng người bệnh, người có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt là cần thiết, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe, lại tiện lợi cho việc chăm sóc.
Dinh dưỡng sau thời gian bị bệnh
Dinh dưỡng trong thời gian bị bệnh là như vậy, nhưng khi bệnh đã thuyên giảm, dinh dưỡng cũng không kém phần quan trọng. Vì cho dù chăm sóc tốt bao nhiêu thì trong thời gian bị bệnh, người bệnh đã trải qua những biến cố về sức khỏe, việc ăn uống vẫn hạn chế hơn lúc khỏe mạnh, lại tiêu hao nhiều năng lượng để chống chọi bệnh tật. Do đó, rất cần bồi dưỡng để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Dinh dưỡng giai đoạn này cần nhiều hơn so với nhu cầu hàng ngày trước khi bị bệnh. Người bệnh cũng đã thấy ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn, ngoài các bữa chính, cần tăng thêm những bữa ăn phụ với các thức ăn giàu dinh dưỡng như sữa, sữa chua, phô mai, bánh flan... tăng cường rau xanh, quả chín.
Việc chăm sóc dinh dưỡng trong và sau khi bị bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh hồi phục và trở về trạng thái sức khỏe bình thường sớm nhất.*
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
PCT HĐQT Công ty NutiFood