* Ba tôi bị bệnh viêm phế quản mãn tính phải nằm viện điều trị thời gian dài, bác sĩ cũng dặn ông ăn uống bình thường không kiêng cử gì, nhưng do bệnh tật và nhà xa không có điều kiện nấu nướng nên phải mua thức ăn bên ngoài, chắc không hợp khẩu vị nên ba tôi ăn uống kém, người cứ gầy ốm dần. Tôi định xin bác sĩ truyền thêm thuốc bổ, hoặc có loại thuốc bổ dưỡng nào để nâng cao sức khỏe cho bố tôi không?
Nguyễn Văn S.
- Chào bạn! theo thống kê của các nhà chuyên môn thì có đến 30-50% người bệnh nằm viện bị suy dinh dưỡng, 31% bệnh viện tuyến tỉnh chưa có khoa dinh dưỡng, hoặc một số bệnh viện chuyên khoa hàng đầu nhưng việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng còn hạn chế do thiếu hụt đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị. 2/3 số bệnh nhân đang nằm viện không nhận được sự quan tâm đúng mức về chế độ dinh dưỡng từ phía bệnh viện do những điều kiện khách quan, ngay chính bản thân người bệnh cũng ít chú ý đến vấn đề này, mà chỉ nghĩ đến thuốc, bác sĩ, các thủ thuật, phẫu thuật...
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong việc điều trị và hồi phục bệnh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý qua ăn uống cho bệnh nhân đang điều trị nội trú sẽ giảm chi phí điều trị, rút ngắn ngày nằm viện và giảm tỷ lệ tái nhập viện. Nuôi ăn bằng tĩnh mạch và nuôi ăn qua ống thông dạ dày sớm ở những bệnh nhân có chỉ định giúp làm giảm nguy cơ tử vong, giảm khả năng sốc nhiễm trùng và giảm thời gian sử dụng kháng sinh.
Thực tế hiện nay, các bệnh viện rất chú trọng về dinh dưỡng, người bệnh cũng có nhiều thông tin về giá trị của dinh dưỡng, nhưng hoàn cảnh chăm sóc người bệnh của người nhà có trở ngại khách quan như: điều kiện kinh tế khó khăn, nhà xa bệnh viện không thể tự chế biến thức ăn theo nhu cầu, mua ở hàng quán không hợp khẩu vị, khó đảm bảo chất luợng theo nhu cầu cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm…
Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh tại bệnh viện không chỉ là truyền thêm chai thuốc bổ, hay cần có một vài loại “thần dược” nào đó mà chủ yếu vẫn là chế độ ăn uống phù hợp tính chất bệnh lý, việc dùng thêm thuốc bổ dù đường uống hay tiêm truyền đều tuân thủ chỉ định thầy thuốc. Bạn nên trình bày với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của cụ và hỏi cụ thể thêm về chế độ ăn uống theo khoa dinh dưỡng của bệnh viện nếu có.
Tùy theo điều kiện thực tế, bạn nên lựa chọn các loại thức ăn cho ba bạn đảm bảo đủ năng lượng, đủ 4 nhóm thực phẩm gồm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất. Nên chọn các thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa, chia nhiều bữa ăn trong ngày, nên mua ở căng tin bệnh viện hoặc hàng quán sạch sẽ, hợp vệ sinh, thay đổi món thường xuyên cho cụ đỡ ngán. Vì cụ ăn ít nên cần bổ sung thêm các thực phẩm bổ dưỡng, giàu năng lượng có sẵn trên thị trường, rất dễ sử dụng, dễ hấp thụ, dễ tiêu hóa, giúp cung cấp cho cụ đủ dưỡng chất, lại đảm bảo vệ sinh... giúp nâng cao sức đề kháng, mau lành bệnh.
Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, sự chia sẻ, động viên tinh thần của người nhà và mọi người với người bệnh cũng là nguồn động lực rất lớn góp phần thành công trong điều trị. Chúc ba của bạn mau chóng hồi phục bệnh.*
BS CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất
Chuyên gia Tư vấn Dinh dưỡng NutiFood