Định danh tài khoản mạng xã hội: Hạn chế thông tin lừa đảo, xấu độc

Đề nghị của lãnh đạo Sở TT-TT TPHCM về việc cần có quy định tài khoản mạng xã hội (MXH) phải được định danh đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, định danh tài khoản MXH sẽ góp phần hạn chế, xử lý tình trạng tin giả, xấu độc tràn lan trên mạng.

Ẩn danh gây rắc rối

“Những tác động tích cực của MXH trong đời sống hiện nay là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, MXH cũng là nơi diễn ra nhiều trào lưu phản cảm, hành vi thiếu lành mạnh, đi ngược lại thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống; lan truyền thông tin xấu, độc, sai sự thật. Chưa kể, tình trạng lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc mà còn gây ra nhiều hệ lụy về tinh thần...”, anh Phan Nguyên, chủ một cửa hàng chuyên bán thiết bị di động trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TPHCM, chia sẻ. Ý kiến của anh Phan Nguyên cũng là nhận định chung của nhiều người dùng MXH cũng như cơ quan quản lý. Theo các chuyên gia công nghệ, nguyên nhân chính của thực trạng này là do hầu hết nền tảng xã hội xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam đều cho phép các chủ tài khoản ẩn danh, dẫn đến lối hành xử thiếu trách nhiệm như bình luận xúc phạm người khác, chia sẻ các nội dung vi phạm pháp luật, mua bán hàng cấm…

Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn khi định danh tài khoản MXH là nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Bởi để đăng ký tài khoản, người sử dụng phải cung cấp những thông tin liên quan như số điện thoại, họ tên khai sinh, hình ảnh căn cước công dân. Theo cơ quan quản lý, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng, nên việc bổ sung quy định MXH phải xác thực tài khoản qua số điện thoại di động tại Việt Nam là cần thiết. Nội dung gắn với cá nhân cụ thể cũng khiến người dùng nâng cao ý thức, trách nhiệm khi đăng tải, chia sẻ, bình luận. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, định danh tài khoản MXH là một giải pháp quan trọng và cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Đồng thời, người dùng MXH sẽ ý thức trách nhiệm hơn đối với mỗi phát ngôn, đăng tải, bình luận của mình và giúp hạn chế các vấn nạn lừa đảo, tin giả, bôi nhọ, xúc phạm người khác…

Y4c.jpg
Giới trẻ ngày càng tiếp cận nhiều thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: KIM THANH

Đủ cơ sở pháp lý để thực hiện

Bộ TT-TT đã lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Nghị định số 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Trong đó có quy định về xác thực tài khoản người dùng MXH thông qua số điện thoại di động tại Việt Nam. Tất cả chủ tài khoản MXH là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh thông qua việc cung cấp thông tin của bản thân, như tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân để chứng minh danh tính. Việc này được áp dụng cho cả MXH trong nước và xuyên biên giới, gồm Facebook, YouTube, TikTok, Twitter...

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), trước đây, việc xác thực người dùng trên MXH đã được đề cập. Xác thực thường được thực hiện qua 3 hình thức, gồm email, số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân. Trong đó, số điện thoại được đánh giá là phương án phù hợp ở Việt Nam, trong bối cảnh người dùng có xu hướng dùng thiết bị di động nhiều hơn. Cơ sở dữ liệu để xác thực người dùng trên MXH được thực hiện chuẩn xác hơn khi thời gian qua, Bộ TT-TT và Bộ Công an cũng đang thực hiện định danh thuê bao điện thoại ở Việt Nam, thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số, cung cấp thông tin cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng khi có yêu cầu... để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Khi cơ quan điều tra đề nghị xác thực tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm, Bộ TT-TT sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử xác thực chủ tài khoản. Có trường hợp xác định được, nhưng cũng có trường hợp gặp khó khăn do một số tài khoản sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới. Hiện nay, vướng mắc trên được giải quyết một phần sau khi Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được thông qua. Trong đó, quy định mới sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như các nền tảng trong nước, nếu không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ bị ngăn chặn.

Tin cùng chuyên mục