Bị phạt vì không cập nhật khai báo cư trú
Thời gian qua, lực lượng công an ở cơ sở đã tập trung công tác vận động người dân làm định danh điện tử mức độ 2. Ngoài việc cắt cử cán bộ tiếp dân trực tiếp tại trụ sở công an phường, xã, thị trấn, Ban chỉ huy Công an còn tổ chức làm việc từ sáng đến 21 giờ đêm và làm luôn các ngày nghỉ cuối tuần. Không những tiếp dân tại cơ quan công an, các cán bộ còn mang thiết bị đến tận khu dân cư, hẻm nhỏ… để hỗ trợ tiếp nhận thông tin từ người dân. Việc khai báo nhanh, gọn với thủ tục đơn giản.
Người dân đăng ký định danh điện tử mức độ 2 |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin qua các nhóm trò chuyện trên Zalo đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc vận động người dân làm định danh điện tử mức độ 2. Tuy nhiên, sau khi định danh điện tử mức độ 2, không ít người dân phát sinh thắc mắc xung quanh việc cập nhật khai báo cư trú.
Mới đây, Đường dây nóng Báo SGGP tiếp nhận một cuộc gọi của bạn đọc bức xúc về việc bị phạt vì không khai báo tạm trú, tạm vắng.
Bạn đọc N.V.B. thắc mắc: “Tôi có nhà ở quận 3, trước nay gia đình tôi đăng ký hộ khẩu thường trú ở căn nhà đó. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tôi chuyển về sống ở một căn nhà khác ở quận Gò Vấp. Tôi đã làm CCCD gắn chip, định danh điện tử mức độ 2. Những tưởng như vậy là đã đủ tư cách công dân, vậy mà mới đây, khi kiểm tra hành chính, công an ở quận Gò Vấp đã phạt tôi về lỗi cư trú. Tôi trình CCCD gắn chip, nhưng họ vẫn phạt. Sao kỳ vậy, tôi có nhiều nhà, tôi muốn ở nhà nào thì ở. Sổ hộ khẩu thì bỏ rồi, tại sao tôi lại bị phạt?”.
Dễ bị xóa định danh
Bà H.T.K.K (48 tuổi, hộ khẩu thường trú ở phường 9, quận 8, TPHCM) cho biết: “Gia đình tôi gồm 3 người. Năm 2020, tôi đã bán nhà và dọn về ở tại phường 9, quận 5, TPHCM. Trong thời gian đó, tôi đều chấp hành đăng ký tạm trú và báo tạm vắng với cảnh sát khu vực. Do hoàn cảnh, tôi chưa làm xong giấy tờ nhà nơi ở mới nên chưa chuyển được dữ liệu thường trú về nơi ở mới. Tôi cũng đã thường xuyên tương tác với cảnh sát khu vực ở phường 9, quận 8 để làm CCCD gắn chip, khai báo định danh điện tử. Chuyển về nơi ở mới, tôi cũng đã đăng ký tạm trú để làm định mức điện, nước. Như vậy, theo luật định, tôi đã thực hiện việc khai báo.
Tháng 7-2023, anh cảnh sát khu vực ở phường 9, quận 5 thông báo yêu cầu gia đình tôi đăng ký làm định danh mức độ 2. Cả nhà tôi đem các giấy tờ liên quan để khai báo tích hợp thông tin, lúc này tôi mới biết các thành viên trong gia đình đã bị xóa dữ liệu thường trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Qua trao đổi, các cảnh sát khu vực đều cho rằng, việc ông N.V.B. bị phạt vì vi phạm Luật Cư trú và bà H.T.K.K. bị xóa định danh là đúng theo luật định. Ông B. có nhiều nhà, nhưng ở nhà nào thì lại không khai báo. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý con người ở các địa phương. Theo khoản 6, Điều 2, Luật Cư trú năm 2020, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
Tương tự, bà H.T.K.K. dù đã chuyển đến nơi ở mới, đã khai báo tạm trú, tạm vắng đầy đủ, nhưng thực tế bà K. đã bán nhà. Điều 24, Luật Cư trú năm 2020 quy định việc xóa đăng ký thường trú đối với 9 trường hợp. Khoản g, mục 1, Điều 24 quy định xóa đăng ký thường trú với người đã đăng ký tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sử dụng vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó…
Hiện nay, việc khôi phục định danh điện tử không khó. Công dân đến Công an phường nơi mình bị xóa định danh và yêu cầu được làm lại. Nếu vì lý do nào đó mà công dân chưa thể làm xong thủ tục giấy tờ nhà để khai báo theo luật định thì công an sẽ ghi thêm thông tin “Nơi ở hiện tại”.
Việc trao đổi thông tin giữa nơi ở cũ và nơi ở mới được công an 2 địa phương thực hiện sẽ không tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc thay đổi này trên cơ sở dữ liệu quốc gia nên thời gian có thể bị kéo dài.