° Giám đốc BHXH TPHCM PHAN VĂN MẾN: Theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật BHXH, việc tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 64 của luật này. Cụ thể, khoản 2, Điều 64 quy định: Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng được tiếp tục thực hiện khi người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.
° Tôi làm ở Công ty TNHH MTV Đóng tàu 76 từ năm 1985, vào biên chế năm 1986. Tháng 4-1989, tôi nghỉ làm. Tháng 3-1990, tôi trở lại làm tiếp ở công ty, ký tiếp hợp đồng và làm suốt tới hôm nay. Bây giờ tôi chuẩn bị nghỉ hưu, vậy thời gian công tác từ năm 1985-1989 có được tính vào thời gian hưởng BHXH không? Tôi đã trao đổi với công ty, nhưng công ty không tính. Tôi cần làm thủ tục ra sao để được tính những năm công tác trên? (NGUYỄN VĂN QUYẾT, quận 7, TPHCM)
° Điểm b, khoản 1, Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước có thời gian công tác gián đoạn, hoặc đã nghỉ việc trước ngày 1-1-1995, thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1-1-1995.
Trong khi đó, quy định tại điểm c, khoản 12, mục II Thông tư số 13/NV ngày 4-9-1972 của Bộ Nội vụ và tại điểm 18 Công văn số 169/BHXH ngày 17-2-1981 của Bộ Lao động - Thương binh (nay là Bộ LĐTB-XH) như sau: Những trường hợp không do yêu cầu của tổ chức mà công nhân, viên chức xin thôi việc hoặc tự ý bỏ việc thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc không được tính là thời gian công tác để hưởng BHXH. Theo quy định trên, do ông đã nghỉ việc năm 1989, nên thời gian công tác trước khi nghỉ việc (năm 1985-1989) không được tính là thời gian công tác hưởng BHXH.
° Tôi 60 tuổi, mức lương hưu vừa lãnh là 71%. Tôi đóng BHXH có lẻ 6 tháng nhưng lại không được tính % lương hưu cho 6 tháng dư này. Vì sao 6 tháng đóng BHXH của tôi không được làm tròn lên 1 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, mà bị bỏ đi không tính? (TRỊNH PHƯƠNG CHIẾN, quận Tân Bình TPHCM)
° Theo khoản 7, Điều 85 của Luật BHXH, việc tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất trong trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ được tính như sau: từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là 1 năm. Tuy nhiên, trường hợp của ông, ông cần cung cấp thêm thông tin cá nhân: ngày tháng năm sinh, mã số BHXH, nơi giải quyết chế độ hưu trí để xem xét và trả lời cho ông rõ hơn.
° Tôi công tác từ năm 13 tuổi, thoát ly tham gia kháng chiến. Quá trình công tác, tôi nhiều năm liên tục là chiến sĩ thi đua của Bộ Công nghiệp nặng. Thế mà đến khi về hưu, 60 tuổi, lương hưu chỉ 2 triệu đồng/tháng. Đến nay, tôi đã 82 tuổi, lương hưu cũng chỉ 5 triệu đồng/tháng, chưa bằng lương của một người mới ra trường học việc. Trong khi có người ở ngành công nghiệp nhẹ cùng thời kỳ đó về hưu, lương hưu ban đầu 2 triệu đồng/tháng như tôi nhưng bây giờ đã được hưởng 6,4 triệu đồng/tháng? Tại sao có sự khác nhau vậy? (HOÀNG VĂN THANH, quận 3, TPHCM)
° Chính sách BHXH được thực hiện theo nguyên tắc đóng, hưởng. Tiền lương của người lao động ở thời kỳ sau luôn có xu hướng được cải thiện hơn so với thời kỳ trước, do đó khi nghỉ hưu cũng thường có mức lương cao hơn. Ngoài ra, cách tính lương hưu còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước tại thời điểm người lao động nghỉ hưu.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của những người nghỉ hưu, đặc biệt là những người nghỉ hưu thời kỳ trước. Từ năm 1995 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu và thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu của những người nghỉ hưu giữa các thời kỳ. Về trường hợp của ông, ông cần cung cấp hồ sơ hưu trí để cơ quan BHXH TPHCM trả lời chi tiết hơn.