Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khả năng trong năm 2020, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3%.
“Lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân về tăng trưởng được thực hiện nghiêm túc”, Thủ tướng khẳng định. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, CPI bình quân 11 tháng tăng 3,51% so với cùng kỳ. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 là khả thi.
Tổng kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ cam kết đầu năm là tăng trên 41 tỷ USD, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực đứng đầu khu vực Đông Nam Á hiện nay. Thặng dư thương mại xác lập kỷ lục mới, 20 tỷ USD xuất siêu. Kim ngạch 2 chiều sẽ vượt năm 2019.
Theo Thủ tướng, kết quả xuất nhập khẩu là một nỗ lực rất lớn, có hiệu ứng tích cực từ hội nhập, do các hiệp định thương mại tự do được ký gần đây trong bối cảnh thương mại thế giới dự báo giảm khoảng 15% trong năm nay. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ với tốc độ giải ngân trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. 11 tháng đạt gần 80% kế hoạch năm, tăng trên 34 % so với cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng cũng cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh báo cáo vùng Đông Bắc sẽ vượt thu ngân sách so với nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội giao là từ 3.000-4.000 tỷ đồng, vượt so với nghị quyết của HĐND khoảng 1.500 tỷ đồng. Tăng tưởng GDP của nhiều địa phương vượt 2 chữ số. Nhiều địa phương tuy gặp khó khăn nhưng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho cả nước.
Thủ tướng ghi nhận các ý kiến nêu về các rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội. Từ bên ngoài, có 3 rủi ro chính là dịch Covid-19 diễn biến khó lường, vẫn chưa kiểm soát tại nhiều nước, nhiều khu vực; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán; không chỉ địa chính trị phức tạp mà thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến bong bóng tài sản, tài chính. Thiệt hại do bão lụt ở nhiều tỉnh miền Trung rất lớn.
Mặc dù số doanh nghiệp quay trở lại kinh doanh tăng gần 11% nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các địa phương, các ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trên tinh thần bảo vệ tốt sức khỏe của người dân, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chiến lược từng mang lại hiệu quả tốt, đó là kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả. Đề cao cảnh giác, thực hiện tốt “Thông điệp 5K”, trước hết là khử khuẩn tay và đeo khẩu trang, nhất là những nơi đông người, phương tiện công cộng.
Một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, một số thành phố lớn cần tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc này tốt hơn. Thực hiện cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng mà tê liệt các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó, TPHCM cơ bản vẫn hoạt động kinh tế - xã hội như bình thường. Truy vết đến đâu thì xử lý cách ly đến đó. Không hoang mang nhưng không được chủ quan. Thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất.
“Phát triển kinh tế để giải quyết việc làm của người dân nhưng nếu sa đà về kinh tế mà không chú ý dịch bệnh thì cái giá phải trả rất lớn như nhiều nước đã từng gặp phải. Kiểm điểm trách nhiệm những cá nhân, các tổ chức liên quan đến việc lây nhiễm cho cộng đồng”, Thủ tướng lưu ý. |
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5-3%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ liên quan phối hợp triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không, du lịch, những ngành chịu tác động nặng nề nhất.
Thủ tướng đã đề cập đến 3 sáng kiến tại phiên họp Chính phủ.
Thứ nhất, trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án, chính sách cụ thể để triển khai.
Thứ hai, kích cầu tiêu dùng nội địa bằng chương trình đưa sản phẩm của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị, giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn.
Thứ ba, triển khai đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế. Ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 2-12, với các vi phạm nghiêm trọng trong vấn đề cách ly, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Giao thông-vận tải (GT-VT) đã có quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines để kiểm điểm làm rõ. “Chúng ta đã xử lý kịp thời”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Báo chí chất vấn tiếp viên Vietnam Airlines được về nhà cách ly sau 2 lần xét nghiệm âm tính thì có đúng quy định không? Từ vụ việc xảy ra của bệnh nhân 1342 vi phạm quy định cách ly thì tới đây, việc cách ly có thay đổi gì? Liệu có xảy ra làn sóng dịch thứ ba? Có cần giãn cách xã hội? Bộ GT-VT sẽ xử lý Vietnam Airlines như thế nào?
Trả lời, về xử lý vi phạm cách ly, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, quan điểm của Bộ GT-VT là xử lý nghiêm theo quy định, trước hết là cá nhân vi phạm.
Theo ông, quy định về cách ly là rất chặt chẽ, trước hết là vi phạm của cá nhân không tuân thủ quy định, có yếu tố chủ quan về xét nghiệm; tiếp đến là trách nhiệm của cơ quan chủ quản (Vietnam Airlines, đơn vị trực tiếp quản lý cá nhân đó). Vietnam Airlines đã có quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines để kiểm điểm, làm rõ.
“Cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, sẽ tiến hành kiểm điểm, xử lý rõ người, rõ việc”, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông nói. |
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, quy trình cách ly là khá chặt chẽ, nếu thực hiện đúng quy định thì sẽ bảo đảm hiệu quả, tuy nhiên cần tăng cường giám sát.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đồng tình phải xem xét, xử lý trách nhiệm vi phạm về cách ly. Về vấn đề lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng liên quan ở TPHCM, hiện đã xét nghiệm khá lớn. Tin vui là đến tối 2-12, TPHCM chưa phát hiện trường hợp nhiễm mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, những bài học của 2 đợt phòng chống dịch Covid-19 đang được áp dụng cho việc chống dịch Covid-19 ở TPHCM hiện nay, thần tốc truy vết, cách ly, xét nghiệm, không để diễn ra chu kỳ lây nhiễm thứ ba.
Về đề xuất giãn cách của TPHCM, Thủ tướng đã chỉ đạo những khu vực có khả năng lây nhiễm cao thì mới giãn cách, còn lại hoạt động bình thường. Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, nhưng vẫn đặt sức khỏe của người dân là mục tiêu hàng đầu.