Mất ruộng vườn, nhà cửa
Gia đình bà Đào Thị Sậu (ngụ xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có 2 thửa đất với tổng diện tích hơn 5.800m2 (đất trồng lúa và nhà ở). Cuối năm 2012, vì gia đình có người thân bị tai nạn giao thông, bà Sậu quyết định lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ - người dân quen gọi là sổ đỏ) 2 thửa đất trên để vay tiền chạy chữa.
Thông qua người quen, bà Sậu biết được một người tên H. chấp nhận cho vay số tiền 30.000.000 đồng (lãi suất 600.000 đồng/tháng). Để được vay tiền, H. yêu cầu gia đình bà Sậu đưa 2 sổ đỏ để làm tin.
Tháng 11-2012, giữa gia đình bà Sậu và H. đã làm một giấy tay thỏa thuận với nội dung: Nếu như gia đình bà Sậu không đóng lãi theo thỏa thuận thì H. sẽ mang sổ đỏ vào thế chấp ngân hàng để trả tiền vay.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của gia đình, cộng với “con mồi” đang cần tiền gấp, H. yêu cầu gia đình ký vào hợp đồng chuyển nhượng sổ đỏ 2 thửa đất trên sang tên mình tại Văn phòng Công chứng C.L. (TP Cần Thơ).
Ông Xuân mất gần 13.000m2 đất và nhà cũng từ thủ đoạn tương tự của các đối tượng cho vay. Trước đó năm 2010, do làm ăn thua lỗ ông Vương Thanh Hiền mượn sổ đỏ (13.000m2 đất trồng cây lâu năm) của em mình là ông Xuân đi vay số tiền 220 triệu đồng từ ông T.
Để vay được tiền, tháng 2-2010 ông T. yêu cầu ông Xuân phải ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích gần 13.000m2 đất để làm tin.
“Bút sa gà chết”, năm 2012 ông T. khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Châu Thành yêu cầu thực hiện hợp đồng giao đất. Như vậy, đồng nghĩa với việc ông Xuân chỉ bán chưa đầy 17 triệu đồng/1.000m2 đất, cộng với căn nhà gắn với đất mà ông đang ở cũng không còn.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng Văn phòng LS Vạn Lý (Đoàn LS TP Cần Thơ) cho biết: Thời gian qua, trong quá trình công tác, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự của bà Sậu và ông Xuân.
Hành vi và thủ đoạn này không mới, nhưng người dân, đặc biệt là những người nông dân vùng sâu vùng xa khu vực ĐBSCL vẫn liên tục mắc mưu các đối tượng trên. Nhiều gia đình phải rơi vào cảnh trắng tay, kể cả chỗ ở duy nhất của mình cũng không cánh mà bay.
LS Nguyễn Văn Ninh (Công ty luật Phạm Nguyễn) cũng cho biết, hầu như ở tất cả các tỉnh thành ĐBSCL đều có xảy ra những trường hợp các đối tượng cho vay lợi dụng hợp đồng giả cách để chiếm đoạt QSDĐ của người dân đang bức xúc về nhu cầu tài chính.
Thủ đoạn tinh vi
LS Nguyễn Văn Đức phân tích, có thể hiểu đơn giản “hợp đồng giả cách” là hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác. Để có thể qua mặt được người dân, các đối tượng cho vay thường có thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp, am hiểu về luật pháp. Thậm chí các đối tượng này đã được tư vấn kỹ về tính pháp lý trong trường hợp bị cơ quan tố tụng làm việc.
Lợi dụng “con mồi” đang cần gấp một số tiền nhất định, thông thường các đối tượng cho vay ra điều kiện người cần vay tiền phải đem tài sản của mình để đảm bảo khoản vay.
Tài sản có thể là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất nếu có để đến cơ quan công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng cho đối tượng cho vay.
Đây là hợp đồng chuyển nhượng giả cách nhằm che đậy giao dịch vay mượn tài sản. Nếu người vay tiền vi phạm thỏa thuận về thời gian trả lãi, trả nợ gốc thì mặc định tài sản này được chuyển dịch sang tên người cho vay. Mặc dù ý chí của người đi vay tiền lúc này không phải chuyển nhượng tài sản.
Liên quan đến hành vi trên của các đối tượng cho vay, LS Nguyễn Văn Ninh cho biết: Hầu như không thể xử lý hình sự các đối tượng cho vay được, vì tất cả các hợp đồng đều qua công chứng hợp pháp. Người ký cũng có thể biết, nhưng không thể hiểu hết và không lường hết hậu quả của giao dịch.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng cho vay có cơ hội lừa đảo là do người dân còn rất e dè với ngân hàng khi thực hiện giao dịch vay tiền bằng hình thức thế chấp tài sản. Lý do thủ tục ngân hàng còn nhiêu khê, mất nhiều thời gian, thậm chí chưa nói đến thái độ nhũng nhiễu của bộ phận cán bộ ngân hàng biến chất, LS Nguyễn Văn Đức nhận định.
Các chuyên gia về luật pháp cho rằng, để trị hợp đồng giả cách thì cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến với mọi người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời khuyến cáo người dân nên tham khảo ý kiến của những người có hiểu biết, chuyên môn về luật pháp khi thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng tài sản.
Ngoài ra, để trị hợp đồng giả cách, có ý kiến cho rằng, cần phải nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm và cái tâm của công chứng viên. Vì họ là người có thể nhìn ra dấu hiệu bất thường của các giao dịch có liên quan đến hợp đồng giả cách. Bên cạnh đó, nên chăng thay đổi quan điểm và xác định đây là một loại hình tội phạm mới và cần có hướng xử lý hình sự nếu cần thiết để tạo tính răn đe.