Ban đầu mình cứ tưởng là người ta cúng kiếng gì đó. Nhưng hỏi ra mới biết, là do có ai đó đánh rơi, người dân xung quanh lượm được nên để nguyên chỗ cũ chèn đá lên cho khỏi bay, khi nào người đánh rơi quay lại tìm thì sẽ thấy”.
Những điều tử tế như thế này, lẽ ra không có gì xa lạ, hay phải nhắc đến nhiều, nhưng không ít ý kiến hoài nghi phải chăng đây chỉ là câu chuyện truyền cảm hứng của người viết, chứ hoàn toàn không có thật. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, tác giả muốn tô hồng cuộc sống một cách quá mức… Ở đây, một câu hỏi xuất hiện, từ khi nào mà chúng ta bắt đầu hoài nghi những điều tử tế?
Câu hỏi có rất nhiều đáp án, nhất là trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, nơi mà thông tin được truyền đi nhanh hơn cái chớp mắt, tin giả (fake news) vẫn nhan nhản từng phút, thì sự thật nhìn thấy đó, đôi khi chưa đúng bản chất của vấn đề. Và giữa rừng những thông tin thất thiệt đó, chúng ta đánh mất niềm tin rằng điều tử tế vẫn còn quanh đây.
Đâu đó, người ta vẫn chỉ trích dự kiến đề xuất về kinh phí để chấn hưng văn hóa, không ít người chỉ nhìn vào con số ngàn tỷ để nặng nhẹ. Từ mạng xã hội, để nhìn xa hơn đến cuộc sống hiện tại. Vì sao người ta lại hoài nghi một thông tin tốt lành, hay vì sao người ta dễ dàng tin vào những thông tin chưa chính xác, tiêu cực từ mạng xã hội mà quên kiểm tra lại từ báo đài chính thống?...
Những vấn đề bộc lộ trong thời gian qua, “chấn hưng văn hóa” cần thẳng thắn nhắc đến hơn bao giờ hết. Có chăng là chúng ta tìm một từ ngữ nào đó thay thế từ “chấn hưng” nghe sẽ dịu lòng người hơn. Có một câu nói rằng, đừng nghĩ đến việc thay đổi thế giới mà hãy bắt đầu từ việc thay đổi chính mình. Một suy nghĩ thôi, nhưng khi chúng ta nhìn ở góc độ đa chiều để thấy vấn đề rõ hơn và tích cực hơn thì tác động cảm xúc của nó đến chúng ta đã khác lắm rồi. Từ những suy nghĩ nhỏ, hành động nhỏ sẽ vun bồi mỗi ngày một chút, để từng cá nhân làm mới chính mình.
Mỗi người khác đi một chút, tích cực hơn một chút sẽ tạo ra những tác động đáng kể trong cộng đồng… Chắc chắn sẽ có câu hỏi rằng, nếu chưa đủ mạnh để thay đổi xã hội tốt hơn thì sao? Câu trả lời là không sao hết, ít ra vẫn không đáng lo bằng chuyện người ta cứ mãi sống trong hoài nghi, kể cả những điều tử tế, tốt đẹp.