Điều trị xẹp thân đốt sống bằng xi măng hóa học

Điều trị xẹp thân đốt sống bằng xi măng hóa học

Vừa qua, bằng phương pháp bơm xi măng hóa học vào thân đốt sống, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã điều trị thành công cho bệnh nhân bị xẹp thân đốt sống L1. 12 giờ sau khi điều trị, bệnh nhân đã có thể đi đứng lại bình thường.

  • Xẹp thân đốt sống - biến chứng nguy hiểm do loãng xương

BS Trần Chí Cường, (Chuyên khoa I, ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết: Xẹp thân đốt sống do loãng xương thường xảy ra ở những phụ nữ sau mãn kinh, người già trên 60 tuổi, người sử dụng thuốc Corticoid. Xẹp thân đốt sống hay còn gọi là gãy lún đốt sống xảy ra sau chấn thương nhẹ, vận động hoặc cũng có thể tự phát do sức nặng của cơ thể cũng sẽ làm cho các đốt sống xẹp xuống. Bệnh xẹp thân đốt sống thường làm cho người bệnh thấy đau đớn, giảm khả năng vận động. Nếu bệnh nặng có thể khiến cho người bệnh nằm liệt một chỗ, không thể đi đứng vận động được nữa.

  • Ổn định, giảm đau, ít biến chứng
Điều trị xẹp thân đốt sống bằng xi măng hóa học ảnh 1

PGS-TS Phạm Minh Thông và BS chuyên khoa 1 Trần Chí Cường đang thực hiện thủ thuật bơm xi măng hóa học vào thân đốt sống. Ảnh: T.L.

Việc bơm xi măng hóa học vào thân đốt sống vừa có tác dụng gắn lại các chỗ gãy xương siêu nhỏ, vừa làm cho thân đốt sống trở nên ổn định, vững chắc hơn, làm giảm sức nén cơ học và tăng sức chịu đựng cho thân đốt sống. Đồng thời, giúp cho bệnh nhân giảm đau, phục hồi ổn định cột sống, người bệnh có thể vận động nhẹ, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và giảm gánh nặng cho xã hội.
 
Theo BS Trần Chí Cường, phương pháp bơm xi măng hóa học để điều trị xẹp thân đốt sống là một thủ thuật ít xảy ra tai biến kỹ thuật hoặc biến chứng. Các kết quả sau điều trị trên thế giới cho thấy, sau khi được bơm xi măng, bệnh nhân hầu như không còn cảm thấy đau. Biến chứng rễ thần kinh thoáng qua và đau rễ liên tục không cần điều trị đều dưới 0,7%. Chỉ có khoảng 1% phải điều trị phẫu thuật lấy chèn ép do xi măng, và những trường hợp này đều được điều trị khỏi mà không thấy di chứng. Biến chứng nhiễm trùng hiếm gặp - chỉ có 2/400 trường hợp và cả hai đều được chữa khỏi mà không có di chứng thần kinh.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cả 2 bệnh nhân bị xẹp thân đốt sống do loãng xương được điều trị bằng phương pháp bơm xi măng hóa học đều thành công tốt đẹp, không có biến chứng. Đó là bà Ngô Thị L., 83 tuổi, bị xẹp thân đốt sống L2 được phẫu thuật vào cuối năm 2005 và bà Phạm Thị T., 91 tuổi, bị xẹp thân đốt sống L1 không đi lại được. Sau khi được điều trị bằng phương pháp bơm xi măng hóa học vào thân đốt sống tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, 12 giờ sau khi điều trị bệnh nhân đã có thể đi đứng lại bình thường.

Điều trị xẹp thân đốt sống bằng xi măng hóa học ảnh 2
Bơm xi măng vào đốt sống bị xẹp (qua màn hình DSA).

Bơm xi măng hóa học là một thủ thuật ít can thiệp. Sau khi đặt bệnh nhân nằm sấp, gây mê, dưới màn hình DSA các BS định vị chân cung đốt sống, rồi chọc kim chuyên dụng có đường kính 2-3mm (10G) xuyên chân cung vào thân đốt sống và bơm xi măng hóa học vào dưới hướng dẫn của chiếu quang tăng sáng. Số lượng xi măng được đưa vào nhiều hay ít là theo từng trường hợp cụ thể.

Thời gian phẫu thuật khoảng 2 tiếng. Chi phí thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là14 triệu đồng/lần, thấp hơn 10 triệu đồng so với chi phí điều trị tại một số nước châu Âu (vì chúng ta dùng bơm tiêm Codman thay thế bơm tiêm chuyên dụng). Việc thay thế này cho kết quả điều trị không thua gì sử dụng bơm tiêm chuyên dụng, tuy nhiên nó lại gây ảnh hưởng đến bác sĩ vì phải tiếp xúc với tia X.

  • Những bước tiến trong việc ứng dụng xi măng hóa học vào phẫu thuật

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, y học đã sử dụng xi măng hóa học (ciment acrylique) trong phẫu thuật tạo hình - cố định chỏm xương giả vào thân xương. Những năm 70, xi măng hóa học được dùng nhiều trong những phẫu thuật để làm đầy các hốc xương trong khi mổ và làm cột sống giả. Tuy nhiên, phải đến năm 1984, tạo hình cột sống bằng phương pháp bơm xi măng hóa học vào thân đốt sống mới được nhà phẫu thuật thần kinh người Pháp là Gallibert thực hiện.

Và sau đó một năm, nó đã được chuyên gia thần kinh người Pháp là D.Deramond phát triển thành kỹ thuật tạo hình cột sống qua da và tạo hình thân đốt sống nhằm chỉ định điều trị u máu thân đốt sống, ung thư gây tình trạng hủy xương và những tổn thương xẹp thân đốt sống do loãng xương. Nhờ đó, phương pháp bơm xi măng hóa học vào thân đốt sống trong việc tạo hình cột sống qua da được ứng dụng rộng rãi. 

Xi măng hóa học là hỗn hợp gồm bột xi măng (Methylmethacrylate Polyme, Methylmethacrylate- Styren Copolyner, Benzoyl peroxide, Baricen Sulfute) và nước trộn xi măng gồm (Methylmethacrylate monomer, Ethylene dimuthaerylate monomer, Dimethy-P-poluidine, Hydroquinone, Methoxiphenol). Dưới dạng trùng hợp, xi măng hóa học là vật liệu cứng và bền vững nên khi bơm vào thân đốt sống bị bệnh lý thì nó sẽ giúp cho thân đốt sống trở nên ổn định, cứng cáp và vững chắc hơn.

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục