Ngày 22-3, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết vừa điều trị thành công cho sản phụ N.T.M.N. (26 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) mắc hội chứng Hellp (biến chứng sản khoa nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật với tỷ lệ tử vong mẹ và bé cao) hiếm gặp.
Trước đó, trong thời gian mang thai, chị phát hiện da chuyển màu vàng và ngày càng tăng dần, đi khám tại cơ sở y tế địa phương với chẩn đoán thai 37 tuần chuyển dạ, kèm theo dõi viêm gan cấp, ngay lập tức chị được chuyển viện vào bệnh viện trong TPHCM.
Sau khi sinh em bé, sản phụ được hội chẩn liên viện với Khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Dựa trên tình trạng và các kết quả xét nghiệm xác định sản phụ N. bị tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp, hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa và được chẩn đoán hội chứng Hellp. Sau đó, sản phụ chuyển viện vào Khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tại đây sản phụ được hội chẩn liên khoa và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Sau 4 ngày điều trị tích cực với biện pháp thay huyết tương kết hợp lọc máu hấp phụ, sức khỏe sản phụ dần hồi phục, tình trạng vàng da cải thiện, chức năng thận ổn định, thực hiện được các y lệnh, sinh hiệu ổn, các xét nghiệm cải thiện theo chiều hướng tốt.
Theo BSCK2 Võ Thúy Vân, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, một trong những yếu tố gây tử vong nhiều nhất là suy đa cơ quan. Việc áp dụng phương pháp thay huyết tương và lọc máu liên tục sẽ giúp thay thế các yếu tố đông máu, loại bỏ các nội độc tố, yếu tố gây viêm, cytokin, billirubin khỏi tuần hoàn. Qua đó cải thiện được chức năng gan, chức năng thận của người bệnh mắc hội chứng Hellp.
Để điều trị hiệu quả, cần sự phối hợp của phương tiện kỹ thuật hiện đại cùng kinh nghiệm chuyên môn giữa chuyên ngành sản khoa và hồi sức. Hội chứng Hellp biểu hiện các triệu chứng thường gặp: phù chân, tăng huyết áp, ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm như đau thượng vị, đau đầu, mờ mắt, dễ bị kích thích, tăng phản xạ, buồn nôn, nôn, vàng da, xuất huyết dưới da.
Hội chứng Hellp xảy ra ở khoảng 4 - 12% bệnh nhân tiền sản giật, khoảng 30% trường hợp xuất hiện trong những tuần đầu sau sinh. Do đó, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa như bệnh lý tiêu hóa gan mật, bệnh lý thận, bệnh lý tim mạch…
“Khi gặp các triệu chứng này, cần đến bác sĩ chuyên khoa sản để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Việc khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là cần thiết, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ sản phụ cần được làm xét nghiệm tầm soát nguy cơ tiền sản giật nhằm phát hiện những trường hợp có nguy cơ tiền sản giật để theo dõi, xử trí kịp thời và đúng cách, giúp bảo vệ an toàn mẹ và con”, BSCK2 Võ Thúy Vân khuyến cáo.