Điều trị tâm lý người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19

Trong số 3.287 người đến thăm khám, sàng lọc tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM theo chương trình “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc”, có 496 người (hơn 15%) phải tham vấn, điều trị về tâm lý. Đáng quan tâm là sức khỏe tâm thần của người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 không dừng lại ở những lo lắng thông thường. 
Người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 được trị liệu tâm lý tại chương trình “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc”. Ảnh: Thu Hường
Người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 được trị liệu tâm lý tại chương trình “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc”. Ảnh: Thu Hường

Sang chấn tâm lý 

“Mấy chục năm qua, sáng nào tôi với chồng cũng ngồi uống cà phê cùng nhau. Giờ ảnh đi rồi, tôi vẫn giữ thói quen pha ly cà phê sáng cho ảnh”, bà Trần Bích Nga (63 tuổi, cán bộ hưu trí, ngụ phường 7, quận 11, TPHCM) buồn bã kể với chuyên viên tâm lý đang thăm khám cho mình tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM. Ngày 21-2, bà Nga là một trong hơn 250 người được quận 11 đưa đi khám sức khỏe theo chương trình chung tay chăm sóc sức khỏe người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 tại viện. 

Hơn 1 tháng chồng mất vì Covid-19, bà Nga vẫn đều đặn nấu những món ăn chồng thích, làm những công việc thường ngày hai vợ chồng hay làm cùng nhau như trước. Chỉ khác là bà không thể ngồi đối diện chồng để vừa ăn cơm vừa trò chuyện như xưa. Trong suốt buổi nói chuyện cùng bác sĩ, bà Nga luôn nhắc đến chồng. Hai vợ chồng bà mắc Covid-19 vào cuối tháng 12-2021. Hơn 2 tuần điều trị, chồng bà trở nặng rồi không qua khỏi. Từ ngày chồng mất, bà Nga cũng sợ nghe các cuộc điện thoại của người thân quen, bởi khi nhắc đến chồng, bà lại rơi nước mắt. Gần đây, con trai bà Nga mắc Covid-19, nỗi lo của bà lại lớn hơn. Bà Nga càng thu mình lại, thấy trống vắng và lo âu. 

Sau khi nghe tâm tư của bà Nga, chuyên viên tư vấn tâm lý hiểu rằng, bà chưa chấp nhận việc chồng ra đi đột ngột. Nay thấy con trai mắc bệnh, nỗi lo trong bà càng chồng chất. “Ban đầu, tôi chỉ muốn biết mức độ trầm cảm của mình đang ở mức nào, nhưng bác sĩ khuyên tôi nhập viện để có hướng điều trị, ổn định tâm lý tốt hơn. Tôi định sau khi sắp xếp xong việc gia đình thì đi điều trị”, bà Nga tâm sự. 

Tâm lý bất ổn, luôn lo lắng và sợ tiếp xúc bên ngoài sau khi mắc Covid-19 là triệu chứng nhiều người đang gặp phải. Ngồi chờ bên ngoài phòng khám tâm lý của Viện Y dược học dân tộc TPHCM, ông T.H.H. (68 tuổi, ngụ quận 4) đưa mắt ngó nghiêng xung quanh. Khi có người nào vào ngồi ghế gần đấy, ông lại đổi sang ghế khác cách xa mọi người. Chia sẻ với chuyên viên tâm lý, ông H. cho biết, sau lần mắc Covid-19, ông luôn ngại tiếp xúc người khác vì nhìn đâu cũng thấy bệnh, sợ bị lây nhiễm lần nữa. Ông cũng rất ngại đi ra khỏi nhà, cứ lầm lũi một mình, sụt cân, ăn không ngon và ít nói chuyện cả với con cái. Để có chuyến đi khám này, gia đình đã phải động viên ông rất nhiều.

Không xem nhẹ sức khỏe tâm thần

 Là người gắn bó với chương trình “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc” từ khi khởi động đến nay, chuyên viên tâm lý Phạm Quốc Hưng Bình (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) đã tiếp xúc và chia sẻ với hàng chục người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 có nhiều mức độ ảnh hưởng tâm lý khác nhau. Điều đáng lưu ý, không chỉ những người mắc Covid-19 trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, những người lớn tuổi, người có triệu chứng nặng mới có vấn đề, biểu hiện rối loạn về tâm lý. Sức khỏe tâm thần của người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 bị giảm sút cả ở những người trẻ, người có triệu chứng nhẹ, mà phổ biến nhất là triệu chứng lo âu.

Cụ thể, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, mọi hoạt động sẽ kém đi và không hứng thú trong công việc. Riêng ở người lớn tuổi, phổ biến là tình trạng kém ăn, khó hoặc mất ngủ, khó thở; dẫn đến ảnh hưởng tinh thần, chán chường, thất vọng với bản thân. Đáng ngại nhất, nhiều người bệnh chia sẻ họ không muốn trò chuyện với mọi người, ngay cả người thân trong gia đình. “Có những người trước đây rất hoạt ngôn, thích đám đông và luôn quan tâm đến những người xung quanh; nhưng giờ họ ngại tiếp xúc, chỉ thích ở một mình, thậm chí bỏ bê, không quan tâm chăm sóc bản thân. Nhiều người chia sẻ rằng, mối quan hệ với các thành viên trong gia đình và mọi người xung quanh ngày càng khiến họ bí bách, áp lực”, chuyên gia tâm lý Hưng Bình thông tin.

Theo ông Hưng Bình, những triệu chứng này nếu không được điều trị kịp thời thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh, khiến họ bị trầm cảm, dẫn đến mất kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân. Đối với những trường hợp trên, ngoài thăm khám, trị liệu tâm lý, các chuyên viên tâm lý của chương trình cũng khuyên người bệnh thường xuyên kết nối với các chuyên gia tâm lý để được tư vấn kịp thời. Cùng với đó là tự cải thiện bản thân bằng việc ăn uống đầy đủ, tập thể dục, mở lòng hơn để chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với người xung quanh.

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, chia sẻ, việc điều trị tâm lý cho người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 là một trong những nội dung rất quan trọng mà ngành y tế quan tâm. Vì vậy, với khả năng chuyên môn, trường luôn ưu tiên cử các chuyên viên tâm lý có kinh nghiệm để hỗ trợ chương trình, kết nối và tư vấn cho người bệnh. Ngoài ra, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM cũng có chương trình “vaccine tinh thần” hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân tại TPHCM. Chương trình  có các hoạt động như hỗ trợ và tư vấn khẩn cấp những vấn đề khủng hoảng tâm lý; can thiệp các vấn đề sức khỏe tinh thần cộng đồng; triển khai các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và trợ giúp phục hồi... 

Chương trình “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc” do Hội Đông y TPHCM phối hợp các đơn vị: Báo Sài Gòn Giải Phóng, Hội Người cao tuổi TPHCM, UBND quận Phú Nhuận, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi đồng 2, Viện Y dược học dân tộc TPHCM, Ban dân vận 21 quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức. 

Chương trình được khởi động từ ngày 16-1, dự kiến kéo dài tới cuối tháng 4-2022 với mục tiêu thăm khám, tầm soát bệnh và sàng lọc, tư vấn tâm lý cho 6.000 đảng viên cao tuổi và 6.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn, hoàn toàn miễn phí. Các đảng viên cao tuổi, người dân tới thăm khám còn được tặng quà và các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu; được hướng dẫn biện pháp nâng cao thể trạng như tự xoa bóp, dưỡng sinh, ăn uống. Chương trình cũng tổ chức chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do cha mẹ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Tin cùng chuyên mục