Bạn đọc T.Nguyên, 29 tuổi, TPHCM: Bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em đã 7 tháng, phát triển bình thường, nhưng gần đây em phát hiện vùng ngực của bé có 1 vòng tròn, với những mụn nước nhỏ, và vùng tròn đó ngày càng lan rộng ra. Em tìm hiểu thì biết nó là nấm da ạ. Bác sĩ cho em hỏi cách phòng tránh, cũng như lưu ý về nhiệt độ phòng, sữa tắm, hay cách chăm da cho bé ạ.
BS.CKI Nguyễn Minh Phong - Bác sĩ Da liễu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:
Chào bạn T.Nguyên,
Từ hình ảnh và mô tả mà bạn gởi, bác sĩ nghi ngờ bé bị nấm da. Đây là một bệnh lý ngoài da thường do vi nấm Dermatophytes gây ra. Người lớn, trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh đều là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm nấm da.
Đối với trẻ em, nấm có thể xuất hiện ở những vùng da khác nhau trên cơ thể như: da đầu, ở mặt, thân người, đùi, bẹn, bàn chân và ngón chân. Nhất là những vị trí ẩm như vùng tã lót, nếp bẹn, nếp khủy. Bệnh do sự lây truyền bào tử nấm từ người hoặc động vật, có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp từ vật dụng, quần áo có bào tử nấm, hoặc những người có thói quen ôm, ngủ chung với chó, mèo cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu chó, mèo bị nhiễm nấm.
Dấu hiệu nhận biết nấm da: trên bề mặt da nổi các mảng da nổi đỏ có giới hạn rõ, có bờ, tiến triển ly tâm, có thể kèm mụn nước nhỏ. Các vòng tròn này có đường kính khoảng vài mm và có thể lan rộng khi vi nấm bắt đầu phát triển. Vùng da bị nấm có thể xuất hiện thành từng mảng lớn, có vảy hoặc mụn nước nhỏ, phồng rộp (rất giống mô tả trường hợp của bé nhà bạn T.Nguyên đang mắc phải).
Bé nhà mình chỉ mới 7 tháng tuổi (trẻ vẫn đang ở giai đoạn sơ sinh), có làn da rất nhạy cảm, cần được điều trị bằng thuốc bôi kháng nấm đặc trị, an toàn cho trẻ em và hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc và bôi thuốc. Bác sĩ đề nghị anh đưa bé đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi và Da liễu để được bác sĩ chuyên khoa lựa chọn thuốc phù hợp, hướng dẫn bôi thuốc đúng liều lượng, đồng thời tư vấn cách chăm sóc đúng đắn. Tuyệt đối không nên tự sử dụng các loại thuốc dân gian hay đắp các loại lá không theo sự chỉ định của bác sĩ, tránh xảy ra những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ thể vốn vẫn còn yếu ớt của trẻ sơ sinh.
Nấm da tuy không phải một bệnh lý quá nghiêm trọng, nhưng sẽ khiến cho trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu và quấy khóc liên tục, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Hơn nữa, nấm da nếu không được điều trị kịp thời có thể lan rộng, mất hàng rào bảo vệ da, dễ bội nhiễm vi trùng nguy hiểm khác.
Vị trí nhiễm nấm da có thể ảnh hưởng đến thời gian điều trị bệnh. Đối với vùng da nhẵn, nấm da có thể được điều trị trong 2 - 4 tuần.
Cách phòng tránh nấm da cho trẻ:
- Chăm sóc da, phòng ngừa nấm:
Phòng ngừa da khô: KHÔNG tắm bé quá lâu trong nước nóng, vì sẽ gây khô da.
Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm, bảo vệ da dành riêng cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là sau khi tắm.
Thường xuyên vệ sinh da, giữ da trẻ luôn khô thoáng, nhất là ở những vùng da có nhiều nếp gấp, dễ bị ẩm ướt như cổ, nách, vùng mặc tã, bẹn, kẽ chân...
2. Nhiệt độ phòng:
Nhiệt độ phòng thích hợp ở Việt Nam cho trẻ sơ sinh là 26-28 độ. Tránh để nhiệt độ phòng quá cao, khiến cơ thể trẻ tiết nhiều mồ hôi gây ẩm ướt da.
3. Sữa tắm:
Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, không gây kích ứng, có độ pH phù hợp với da như các dòng sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh của Johnson, Ceradan, Cetaphil, Mustela....
4. Lưu ý cách xử lý tã (bỉm) và quần áo cho bé, phòng ngừa nấm da:
Thường xuyên thay tã và quần áo khi bẩn, tránh tình trạng da bé đổ mồ hôi gây hầm và ẩm ướt, đặc biệt là vào mùa hè.
Sử dụng quần áo thoáng khí, tã có khả năng thấm hút và chống tràn tốt nhằm giữ da bé luôn trong tình trạng khô thoáng.
Thường xuyên vệ sinh quần áo, chăn ga giường: tránh giặt chung quần áo của trẻ với người lớn, dùng loại nước giặt có thành phần tự nhiên dịu nhẹ và chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, hạn chế được rủi ro kích ứng cho da của bé.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.