Điều trị các chứng đau bằng laser châm

Liệu pháp châm laser bán dẫn công suất thấp (quang châm) là một trong những ứng dụng laser quan trọng trong y học cổ truyền để điều trị cơn đau, liệt, rối loạn chức năng cơ thể… Đây là sự kết hợp giữa phương pháp châm cứu cổ truyền với chùm tia laser của y học hiện đại, cây kim châm được thay thế bằng chùm tia laser và tác động lên hệ thống các huyệt vị.
Bác sĩ xác định huyệt để thực hiện phương pháp laser châm
Bác sĩ xác định huyệt để thực hiện phương pháp laser châm

An toàn, hiệu quả

Mới đây, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3 tiếp nhận điều trị cho người bệnh L.T.T. (45 tuổi, quận 3) đến thăm khám trong tình trạng đau vùng mặt bên phải. Theo lời kể của chị T., ban đầu chị bị đau từng cơn, sau đó tần suất và mức độ đau thường xuyên hơn, đau cả khi chạm nhẹ lên mặt hoặc khi ra ngoài trời nắng, đau kèm các cơn co giật cơ mặt.

Suốt 2 tháng, chị T. đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán đau dây thần kinh số V bên phải và điều trị bằng thuốc. Tuy triệu chứng của bệnh có giảm nhưng cứ ngưng thuốc là chị T. lại bị đau. Sau khi đến khám tại BV Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, bác sĩ đã phối hợp uống thuốc và dùng tia laser châm cứu (laser châm) các huyệt giáp tích cổ, các huyệt vùng mặt phải cho chị. Sau 2 tuần điều trị, chị T. không còn bị co giật cơ vùng mặt, tần suất và mức độ đau giảm nhiều nhưng chạm nhẹ vào mặt vẫn còn đau. Theo chỉ định của bác sĩ, chị T. tiếp tục uống thuốc và được laser châm thêm 2 liệu trình nữa thì triệu chứng gần như khỏi hẳn.

Gần đây, anh T.V.M. (29 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương, làm nghề tài xế hơn 10 năm) thấy tê 2 bàn tay, lan lên cẳng tay. Cứ lái xe khoảng nửa giờ là tay phải của anh bị tê nhiều hơn. Sau khi đi khám tại địa phương, anh M. được cho thuốc uống giảm tê, nhưng chỉ được 2 tuần thì bị đau vùng thượng vị, ợ chua nên anh phải tự ngưng thuốc. Lo lắng vì tay của mình bị tê nhiều sau khi ngưng thuốc, anh M. đến khám tại BV với mong muốn điều trị bằng Đông y. Sau khi thăm khám, bác sĩ kê cho anh bài thuốc thang và phối hợp liệu trình laser châm. Sau 4 tuần điều trị, anh M. không bị ợ chua hay đau vùng thượng vị, triệu chứng tê khỏi hẳn. 

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày BV Đại học Y Dược TPHCM, so với phương pháp châm cứu cổ truyền, việc dùng laser châm có ưu điểm là châm chính xác các huyệt mà không dùng kim. Ngoài ra, laser châm thường có công suất thấp và không gây nhiễm trùng. Ánh sáng laser tập trung cao vào các mô dẫn đến hiệu ứng kích thích sinh học và hiệu ứng bù trừ mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Phương pháp này không gây ra tổn thương ở các điểm châm do đó không gây đau, không chảy máu, không tạo vết thương ngoài da gây nhiễm trùng hoặc nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác cho người bệnh. Laser châm thích hợp cho trường hợp giảm đau ở người bệnh mạn tính, người bệnh cao tuổi có chỉ định hạn chế dùng thuốc giảm đau, trẻ em... Liệu pháp này cũng có thể sử dụng một cách linh hoạt để điều trị cho các vùng khác nhau trên cơ thể. 

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, thời gian điều trị bằng laser châm kéo dài 5-10 phút/lần. Đối với bệnh cấp tính, cần điều trị 1-2 lần/ngày, mỗi liệu trình khoảng 5-10 ngày. Bệnh mãn tính (thoái hóa khớp, loãng xương, đau dây thần kinh số V, đau liên sườn, liệt sau đột quỵ, liệt do chấn thương tủy…) có thể điều trị cách ngày; còn bệnh bán cấp (thoát vị đĩa đệm, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, hội chứng ống cổ tay...) cần điều trị mỗi ngày 1 lần, mỗi liệu trình 2-4 tuần. Để đạt hiệu quả, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế có uy tín và tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.

Kết hợp độc đáo y học cổ truyền và hiện đại

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, hiện nay, laser châm thường được chỉ định chủ yếu để điều trị các chứng đau (đau vai gáy, đau quanh khớp vai, đau lưng, đau thần kinh tọa, hội chứng ống cổ tay…), các chứng liệt (liệt nửa người do các nguyên nhân khác nhau, liệt dây thần kinh số V, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên…) và rối loạn chức năng cơ thể (viêm mũi - xoang, mất ngủ, hen phế quản…). Có thể dùng đơn độc laser châm, kết hợp với điện châm hoặc với xoa bóp bấm huyệt để đạt hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh. Laser có tác dụng đưa năng lượng ánh sáng qua da và được hấp thụ vào mô, từ đó làm nóng các mạch máu tại chỗ, gia tăng lưu thông máu, thư giãn cơ bắp, giảm co thắt cơ, giảm đau và cứng khớp. Chùm tia laser có thể xâm nhập vào các độ sâu khác nhau - phụ thuộc vào bước sóng được sử dụng để kích thích trực tiếp các huyệt. 

Trong y học, laser châm với sự kết hợp của y học hiện đại và y học cổ truyền ngày càng được ứng dụng rộng rãi với lĩnh vực điều trị khá phong phú như da liễu, tai mũi họng, bệnh lý mạch máu, cơ xương khớp, kích thích lành vết thương và thẩm mỹ. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có các chống chỉ định như tiền ung thư, u ác tính, người bệnh động kinh, suy tim, cường giáp, người bệnh sau điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao kéo dài.... Vì vậy, người bệnh cần được bác sĩ khám và tư vấn kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Tin cùng chuyên mục