Đây được xem là một trong những phương pháp mới mà ngành y học cổ truyền của Việt Nam áp dụng để điều trị cho trẻ mắc bệnh tự kỷ, có thêm cơ hội hòa nhập cuộc sống...
Con mắc bệnh, bố mẹ “vái tứ phương”
Phát hiện con gái bị mắc bệnh tự kỷ cách đây 3 năm, cũng từ đó vợ chồng chị Hồ Thị Thu Hiền (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM) đã đưa con đi đến nhiều bệnh viện và các trung tâm chuyên biệt dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ, nhưng bệnh tình của con gái không hề thuyên giảm. “Có bệnh thì vái tứ phương, chúng tôi đưa con đi điều trị ở khắp nơi nhưng các dấu hiệu tăng động, không tập trung của con không hề giảm, mà thậm chí còn gia tăng theo độ tuổi”, chị Hiền chia sẻ. Gần đây, tìm hiểu trên mạng internet, chị Hiền biết đến phương pháp điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền, nên liền đưa con đến Viện Y dược học dân tộc TPHCM để chữa trị, với hy vọng bé sẽ giảm bớt triệu chứng và có thể đi học bình thường như bao đứa trẻ khác.
Cùng chung tâm trạng, anh Bùi Duy Linh (thành phố Cần Thơ) cũng đã từng đưa con đến nhiều nơi nhờ can thiệp khi phát hiện con trai Bùi Danh Nhân mắc bệnh tự kỷ. Hơn 1 năm trước, anh phát hiện con trai của mình có những hành vi không thể kiểm soát được, càng lớn bé càng nói bằng thứ ngôn ngữ xa lạ mà không ai hiểu được, bé lăng xăng chạy nhảy không ngừng nghỉ, thậm chí có lúc tự cào cấu, làm đau chính mình. Trong một cuộc gặp gỡ giữa những phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ, anh Linh tình cờ nghe được phương pháp dùng y học cổ truyền mà một phụ huynh đã đưa con ra tận Hà Nội để điều trị. Từ đó, anh tìm hiểu sâu về phương pháp này và quyết định đưa con lên TPHCM thử vận may khi Viện Y dược học dân tộc được chuyển giao kỹ thuật này.
Theo Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu - Chỉ đạo tuyến (Viện Y dược học dân tộc TPHCM), cách đây 3 năm, khi nghe tin Bệnh viện Châm cứu Trung ương thành công trong việc điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền, đơn vị này đã cử bác sĩ ra Hà Nội để học, với mong muốn đem kỹ thuật mới này về điều trị cho trẻ tự kỷ khu vực phía Nam. Từ đầu năm 2017, Viện Y dược học dân tộc TPHCM bắt đầu thực hiện một số kỹ thuật riêng lẻ đối với các bệnh nhi tự kỷ như cấy chỉ, châm cứu hoặc điện châm, thủy châm và đã có những kết quả khả quan. Rồi sau hơn 3 năm chuẩn bị, cùng với sự chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Viện Y dược học dân tộc TPHCM đã xây dựng xong phác đồ điều trị.
“Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của chúng tôi đã chuẩn bị khá hoàn chỉnh, hiện bệnh nhi đến với chúng tôi sẽ được điều trị theo đúng phác đồ mà Bệnh viện Châm cứu Trung ương đang thực hiện. Tiến tới chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Y tế đưa vào danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán, để giảm bớt gánh nặng chi phí cho bệnh nhi”, Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan cho biết.
Phương pháp điều trị an toàn
Theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Quốc Văn, Trưởng khoa Tự kỷ (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), bệnh tự kỷ là một bệnh tâm thể. Khi tâm lý trẻ có vấn đề thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng như nói kém, tăng động, bứt rứt, không hiểu chuyện, ăn uống khó khăn, giấc ngủ kém hơn… Việc tác động vào các huyệt vị bằng phương pháp điện châm, thủy châm, cấy chỉ, châm cứu, nhằm thanh nhiệt, tỉnh thần, khai khiếu, bổ ích ngũ tạng, bổ dưỡng khí huyết sẽ giúp trẻ thông kinh hoạt lạc, cân bằng âm dương… Theo nguyên lý của đông y, một khi cơ thể cân bằng âm dương thì sức khỏe cũng sẽ tốt, mọi bệnh tật sẽ tự động bị đẩy lùi.
“Trước hết, phải can thiệp làm sao để ý thức và tư duy của trẻ trở về trạng thái cân bằng âm dương, bởi chính ý thức và tư duy mới sinh ra hành vi, khống chế hành vi. Sau đó can thiệp chấn chỉnh hành vi đúng mức cho trẻ bằng các biện pháp sư phạm, giáo dục kỹ năng”, bác sĩ Nguyễn Quốc Văn chỉ rõ.
Bác sĩ đang điều trị cho trẻ tự kỷ bằng phương pháp châm cứu
Tính ưu việt của phương pháp sử dụng y học cổ truyền trong điều trị bệnh tự kỷ là đẩy lùi triệu chứng tự kỷ nhưng không gây ngộ độc thần kinh cho trẻ. Việc bổ sung thêm các loại thuốc bổ não và các nhóm vitamin sẽ giúp trẻ có sự phát triển tốt hơn về trí tuệ và thể chất.
Mặc dù vậy, bác sĩ Nguyễn Quốc Văn cho rằng, vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh tự kỷ. Phụ huynh cần nói chuyện với trẻ hàng ngày, mọi lúc mọi nơi, dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp, chấn chỉnh hành vi cho trẻ. Cần hạn chế gây ức chế khiến trẻ cáu giận, bởi não của trẻ mắc bệnh tự kỷ rất yếu, dễ gây nên các xung động mạnh, từ đó bệnh càng nặng thêm.
Từ năm 2012, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã thành lập Khoa Tự kỷ, hàng năm có khoảng trên 1.500 lượt trẻ bị hội chứng tự kỷ đến điều trị. Đến nay, hiệu quả của phương pháp này được xác nhận có đến 60% trẻ tự kỷ qua điều trị có thể hòa nhập theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó có khoảng 20% trẻ có thể đi học, tiếp thu được bình thường.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Quốc Văn khuyến cáo, phương pháp này có hiệu quả cao nhất đối với trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt với trẻ khoảng 20 tháng, đây là thời gian vàng để điều trị cho trẻ tự kỷ. Đối với trẻ trên 6 tuổi mới bắt đầu can thiệp thì tỷ lệ hòa nhập, đi học được đạt rất thấp. Do vậy, phụ huynh cần chú ý theo dõi phát hiện sớm các biểu hiện tự kỷ ở trẻ để có thể can thiệp kịp thời.