Biến chứng nặng
Trưa ngày 26-9, hơn 10 phòng bệnh tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) gần như không còn chỗ trống, trong đó số người nằm điều trị bệnh đái tháo đường chiếm khoảng 50%.
Chị D.T.T. (sinh năm 1964) kể: “Tôi điều trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Bình Chánh. Một tháng gần đây, nghe người quen mách về loại thuốc gia truyền kiểm soát đường huyết cấp tốc nên tôi ngưng điều trị và chuyển sang dùng loại thuốc có dạng viên này. Sau thời gian dùng thuốc, tôi thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, sức khỏe ngày càng suy giảm. Tới khi tôi thở không nổi, tụt huyết áp, người nhà đưa tôi đi cấp cứu”…
BS-CKII Nguyễn Thị Mây Hồng, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Thống Nhất, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., cho biết, không ít bệnh nhân tự ý bỏ điều trị, sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ khiến cho “tiền mất tật mang”, bệnh trở nặng. Đối với những trường hợp dùng thuốc không rõ nguồn gốc, khi biến chứng mới đến bệnh viện thì đã muộn, nguy cơ tử vong cao. Theo BS-CKII Nguyễn Thị Mây Hồng, các loại thuốc điều trị đái tháo đường trôi nổi trên thị trường thường có chứa hoạt chất phenformin (đã bị cấm lưu hành) và được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên thuốc gia truyền, thuốc tễ…
Trước nhu cầu điều trị ngày càng tăng, thời gian qua, nhiều trang mạng xã hội cũng “loạn” quảng cáo về hiệu quả của các loại thuốc trị đái tháo đường, khiến không ít người bệnh cả tin mua sử dụng, dẫn đến biến chứng. Thậm chí có nhiều trường hợp phải đoạn chi, hoặc nặng hơn dẫn đến tử vong. “Người dân tuyệt đối không tin, không mua, sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc trên mạng”, BS-CKII Nguyễn Thị Mây Hồng khuyến cáo.
Bệnh ngày càng trẻ hóa
Theo Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc bệnh lý đái tháo đường, tương đương 5 triệu người, trong số đó khoảng 50% chưa được chẩn đoán. Đặc biệt, 50% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.
BS-CKII Nguyễn Thị Mây Hồng chia sẻ, bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính, gần như theo bệnh nhân suốt đời. Trước đây, người mắc bệnh thường ở tuổi 50-60 và sống với bệnh chừng 10-15 năm thì mất. Hiện nay, người mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, không ít người ở tuổi 40 hoặc trẻ hơn. Đặc trưng của bệnh biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt insulin (một hormon do tế bào beta của tụy tiết ra, có vai trò làm giảm đường huyết), đề kháng với insulin hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Khi mắc bệnh đái tháo đường, bệnh nhân không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng lượng đường tích tụ trong máu. Lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, gây tổn thương ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Theo BS-CKII Trần Viết Thắng, Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh đái tháo đường được chia làm 4 tuýp, gồm: đái tháo đường tuýp 1, 2; đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường tuýp khác. Thời gian điều trị tùy vào mức độ bệnh, nhưng thường rất lâu, có thể từ vài tuần đến vài tháng, gây tốn kém và di chứng để lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nghiêm trọng. Bệnh biến chứng nặng có thể mất ngón chân, một phần hoặc toàn bộ bàn chân.
Để chăm sóc tốt bàn chân đái tháo đường tại nhà, BS-CKII Trần Viết Thắng lưu ý, người bệnh nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện sớm các vết nứt, sưng, đỏ; rửa chân bằng nước ấm; cắt móng chân cẩn thận, không cắt ngắn quá; không đi chân đất, nên mang vớ sạch, mềm; mang giày ôm vừa chân, chất liệu êm, kiểm tra giày trước khi xỏ chân; giữ chân ấm áp và khô ráo, tuy nhiên nếu da quá khô có thể thoa dưỡng ẩm, chú ý vùng gót chân, nhưng không thoa vào giữa các ngón chân. Tuyệt đối không tự ý cắt, lọc bỏ các đốm đen hoại tử nếu chưa được bác sĩ hướng dẫn. Không ngâm nước nóng, không tự điều trị, không tự thoa thuốc lên bàn chân.
“Người bệnh phải tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như tổn thương da, hay có cục sần ở bàn chân, nhiễm trùng hoặc đốm đen hoại tử để tránh biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong”, BS-CKII Trần Viết Thắng nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, đối với người dân chưa được chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường, nhất là người trên 40 tuổi, những người có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, trong gia đình có người thân mắc bệnh… nên tầm soát định kỳ. Kiêng ăn đường tự nhiên, các thức ăn quá ngọt; bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu và các đồ uống có cồn. |