Điều trị bằng...nước biển

Điều trị bằng...nước biển

Các phân tích khoa học cho thấy, nước biển ngoài tính kháng khuẩn còn chứa nhiều khoáng vi lượng, các nguyên tố kim loại và á kim khác nhau, từ đó hình thành ngành điều trị bệnh bằng nước biển (Thalassothérapie) được ưa chuộng trên thế giới.

  • Tác động của nước biển

Tác động lý hóa

Điều trị bằng...nước biển ảnh 1

Nước biển tác động hỗn hợp lên cơ thể:
- Tác động vật lý: liên quan đến tỉ trọng của nước biển (sự giảm nhẹ theo nguyên tắc Archimède) dùng trong việc hồi phục chức năng. Thông qua cơ chế: Áp suất thủy tĩnh của nước tác động lên tuần hoàn máu, lên tiến triển của các hoạt động cơ bắp …
- Tác động nhiệt học: liên quan đến nhiệt độ trong khi sử dụng các biện pháp săn sóc hồi phục sức khỏe bằng nước biển.
- Tác động hóa học: liên quan đến thành phần và dung tích thẩm thấu qua da, thâm nhập vào cơ thể khi ngâm trong nước biển.
Ngoài ra, nước biển có nhiều chất điện giải dạng muối khoáng thông dụng như calci, magnesium, brom, kali, fluor, iod… và còn có các vi lượng tố cần thiết cho cơ thể như kẽm, đồng, sắt, cobalt…

Tác động biến dưỡng

Các chất khoáng, kim loại, á kim hiện diện trong cơ thể sống với hàm lượng rất thấp nhưng lại đóng vai trò sinh học rất quan trọng. Tác dụng xúc tác giúp hoạt hóa các phản ứng biến dưỡng sinh học đảm bảo cho cuộc sống sinh vật cũng như sự đổi mới các tế bào già cỗi. Thiếu hay thừa các vi chất dinh dưỡng đều có thể dẫn đến rối loạn nhiều chức năng, gây các bệnh như viêm khớp, phong thấp khớp xương, bệnh tuần hoàn, mệt mỏi, buồn phiền, lo âu, rối loạn nội tiết…

Tác động diệt khuẩn

Các hợp chất trong nước biển từ vi sinh vật đến các chất nội tiết từ sinh vật biển tiết ra tạo tính diệt khuẩn. Một kỹ sư nông nghiệp người Pháp, Jean Yves Moigne, năm 1994, đã phát hiện loại tảo đỏ Asparagopsis có tính năng diệt khuẩn và nấm giúp chống mụn và gàu da đầu.

  • Trị bệnh bằng nước biển

Khái niệm Thalassothérapie ra đời năm 1869, khi nhà sinh học René Quinton qua các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh được sự đồng nhất sinh học giữa nước biển với môi trường sống của các loài động vật có xương sống. Nước biển dùng trong điều trị các bệnh do thiếu hay thừa vi lượng tố, tái tạo lại sự cân bằng sinh học cho cơ thể. Nhà bác học René Quinton đã chứng minh rằng:

- Nước biển không độc.
- Người ta có thể dùng nước biển thay thế trọn vẹn môi trường sống bên trong cơ thể.
- Các bạch cầu có thể sống dễ dàng trong nước biển nhưng lại chết khi nuôi cấy trong môi trường nhân tạo khác.
- Việc tạo ra công thức chế tạo huyết thanh sinh lý (trong dân gian thường gọi là nước biển) là một sử dụng an toàn trong điều trị.

Các liệu pháp trị bệnh bằng nước biển giúp cải thiện các nơi thần kinh tiếp nối giao cảm, các kích thích, các phản ứng dây chuyền trên da và mô. Các tác động này tạo những hiệu quả quan trọng cho việc điều hòa các hoạt động biến dưỡng.

Một nguyên liệu không thể thiếu trong việc điều trị bằng nước biển là tảo biển dùng trong “Tảo liệu pháp” (Algothérapie) như tảo xanh (Chlorophyceae), tảo đỏ (Rhodophyceae), tảo lam (Cyanophyceae), tảo nâu (Pheophyceae)… Các tảo này chứa 75% chất hữu cơ (glucid, protid, lipid, vitamin) và 25% chất khoáng. Tảo được cấu tạo bởi một màng thấm chứa 80% nước khoáng từ biển và giàu các vi lượng tố như iod, magnesium, molybden, fluor, kali…

Tác dụng điều trị của tảo là làm ẩm da, tái tạo muối khoáng và dinh dưỡng cho da. Một lần tắm bằng nước tảo biển tùy theo từng phương pháp thường kéo dài 20-30 phút hoặc đắp tảo dưới dạng thuốc đắp lên bề mặt da toàn cơ thể hay một vùng đặc biệt nào đó.

(Tham khảo: Eau de mer, les secrets de nos origines & Algothérapie)

DS. TRƯƠNG TẤT THỌ

Tin cùng chuyên mục