Điều tra mục đích cơ sở trộn phế phẩm cà phê với lõi pin
SGGPO
Ngày 18-4, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông), cho biết đơn vị này đã lấy các mẫu từ cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, trú thôn 13, xã Đắk Wer) để gửi giám định.
Theo ông Chương, thời điểm cơ quan công an kiểm tra cơ sở của bà Loan đã phát hiện cơ sở này đang trộn hàng chục tấn phế phẩm cà phê, đá xay, sau đó, nhuộm với hỗn hợp nước trộn pin con ó. Tuy nhiên, bà Loan chưa khai nhận mục đích trộn hỗn hợp tạp chất này vào để làm gì và tiêu thụ ở đâu.
“Hiện cơ quan công an đang lấy lời khai của bà Loan. Phía chi cục vẫn đang chờ kết quả lời khai từ cơ quan công an để gửi mẫu tang vật đi kiểm định. Theo đó, nếu bà Loan sử dụng mẫu hỗn hợp trên để chế biến làm thực phẩm, đồ uống thì đơn vị sẽ gửi mẫu kiểm định theo hướng an toàn thực phẩm, xem trong đó có hàm lượng cafein, các chất độc hại hay không. Nếu bà Loan sử dụng mẫu hỗn hợp trên làm phân bón thì phải kiểm định theo hướng kiểm định phân bón giả, kiểm tra hàm lượng N-P-K”, ông Chương cho biết thêm.
Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông: “Hiện cơ quan công an đang điều tra vụ việc. Vào 16 giờ chiều nay (ngày 18-4) công an tỉnh sẽ tổ chức họp báo và thông tin vụ việc đến báo chí”.
Ông Võ Ngọc Anh, Trưởng công an xã Đắk Wer cho biết, tháng 1-2016, bà Loan từ Đồng Nai đến thuê nhà ở địa phương sinh sống. Ngày 19-8-2016, bà Loan được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp giấy phép hộ kinh doanh, ngành nghề thu mua nông sản và được cấp lại lần 1 vào ngày 31-10-2016, với số vốn 1 tỷ đồng.
Giấy phép kinh doanh, ngành nghề thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan
Mặc dù được cấp giấy phép kinh doanh nhưng bà Loan không tổ chức hoạt động thu mua và cũng không có biển hiệu thu mua nông sản.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an phát hiện trong nhà bà Loan có gần 30 tấn phế phẩm cà phê cùng nhiều pin con ó. Bà Loan khai nhận đã trộn hỗn hợp các phế phẩm, đá xay, tạp chất với bột từ lõi pin con ó để tạo nên hỗn hợp thành phẩm. Bà Loan cũng khai nhận những hợp chất này được bà đưa đi các tỉnh Bình Phước, Bình Dương… để tiêu thụ.
Theo ghi nhận của PV những ngày qua cơ sở của bà Loan vẫn đóng cửa. Xung quanh nhà được gắn camera giám sát chặt chẽ.
Theo một số người dân tại khu vực, trước đây bà Loan thuê nhà của một hộ dân để sinh sống, sau đó mua đất và xây dựng cơ sở. Tuy nhiên không ai biết bà Loan hoạt động trong lĩnh vực gì.
“Trước đây, tôi có thấy bà Loan phơi vỏ cà phê, nhưng không biết bà mua những thứ đó ở đâu và làm gì. Bà Loan không tổ chức hoạt động thu mua nông sản tại địa phương. Hàng đêm, tôi thấy có xe tải BKS tỉnh Đồng Nai thường xuyên ra vào nhà bà nhưng không biết họ chở gì cho đến khi công an đến kiểm tra thì mới biết bà Loan hoạt động phạm pháp”, một người hàng xóm của bà Loan cho hay.
Trước đó, vào chiều ngày 15-4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã bắt quả tang cơ sở của bà Loan có hành vi trộn phế phẩm cà phê, bột đá xay, hóa chất hòa với bột than từ lõi pin để sản xuất ra một loại hỗn hợp sản phẩm để bán ra thị trường.
Bà Loan khai nhận từ đầu năm 2018 đến nay cơ sở đã bán ra thị trường khoảng 3 tấn hỗn hợp thành phẩm
Tại thời điểm kiểm tra, bà Loan khai nhận thời gian qua đã thu mua các loại cà phê kém chất lượng từ các đại lý, sau đó trộn với đá xay, ngâm tẩm với bột than lấy từ lõi pin, các loại hóa chất để làm đẹp. Số phế phẩm cà phê sau khi được nhuộm đen bằng pin được sấy khô, sau đó đóng thành bao tải từ 50kg - 70kg rồi bán ra thị trường.
Từ đầu năm 2018 đến nay cơ sở đã bán ra thị trường khoảng 3 tấn hỗn hợp thành phẩm.