Điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý ca mắc đậu mùa khỉ

Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Liên quan đến ca mắc đậu mùa khỉ (Mpox) mới được phát hiện ở Đồng Nai, ngày 26-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, bệnh nhân là anh L.V.T. (sinh năm 1998, thường trú huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tạm trú ở TPHCM), từng đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Hiện ngành y tế thành phố đang triển khai điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý.

Nhân viên y tế Viện Pasteur TPHCM đang làm xét nghiệm PCR tìm virus đậu mùa khỉ

Nhân viên y tế Viện Pasteur TPHCM đang làm xét nghiệm PCR tìm virus đậu mùa khỉ

Chưa xác định được nguồn lây

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, ngày 22-9, anh T. đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ như: nổi hạch hai bên bẹn, sốt, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi 2-3 mụn nước nhỏ. Sau đó nổi thêm các nốt mủ ở tay, chân, ngực, các nốt loét xuất hiện toàn thân (tay, chân, niêm mạc miệng, ngực, cơ quan sinh dục), ngứa, khó chịu, không sốt. Anh T. đã được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM.

Đến ngày 23-9, kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với virus đậu mùa khỉ. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, mụn nước rải rác, không có sang thương mới và đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Sau khi phát hiện mắc bệnh, bệnh nhân T. cho biết thêm, anh có tạm trú tại TPHCM và trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, bệnh nhân chỉ ở Việt Nam không đi nước ngoài. Ngay khi nhận thông tin, HCDC đã tiến hành điều tra dịch tễ, tiền sử đi lại, lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (4 người tại TPHCM, 1 người ở Bình Dương, 3 người ở Đồng Nai).

Trong 8 người này có một người là bạn gái của bệnh nhân (22 tuổi, đang cư trú tại tỉnh Bình Dương), cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ vào ngày 24-9, hiện được cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên (Bình Dương), tình trạng sức khỏe ổn định. Những người tiếp xúc gần còn lại hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện đơn vị đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế; đồng thời chỉ đạo HCDC tiếp tục phối hợp với CDC Bình Dương và Đồng Nai để điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng; theo dõi và hướng dẫn những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày.

“Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, 2 trường hợp trước đây có nguồn gốc mắc bệnh từ nước ngoài về, riêng trường hợp 2 ca bệnh này có địa chỉ thường trú tại Đồng Nai và Bình Dương, điều tra dịch tễ học chưa tìm thấy yếu tố liên hệ với nước ngoài, nhiều khả năng đây là các ca bệnh… nội địa”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Ngày 26-9, CDC Đồng Nai cho biết, đang triển khai các hoạt động giám sát nhập cảnh, giám sát cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn. CDC Đồng Nai cũng kiến nghị CDC TPHCM, CDC Bình Dương tiếp tục điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý đối với bệnh nhân L.V.T. và bạn gái bệnh nhân, nhất là lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân với các đồng nghiệp, người thân.

Phát hiện sớm để dự phòng hiệu quả

Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh đậu mùa khỉ lây qua các chất tiết có mang virus từ các sang thương phát ban đậu mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi mắc bệnh có thể dẫn tới các biến chứng, thậm chí tử vong.

Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với những ca bệnh này cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh. Đây là vấn đề quan trọng để từ đó đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch, nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng... Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác.

Ngày 26-9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Viện Pasteur TPHCM; sở y tế TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương về tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; quan tâm chỉ đạo triển khai ngay một số hoạt động để kịp thời giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

Tin cùng chuyên mục