(SGGP). – Ngày 31-12, Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 1-4-2009. Theo đó, đến thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2009, dân số Việt Nam là 85.789.573 người, tăng 9,5 triệu người so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ sinh của Việt Nam vẫn tiếp tục ở dưới mức sinh thay thế, đất nước đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và nhóm dân số già đang tiếp tục tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, mức sinh của Việt Nam đã giảm trong 10 năm qua. Tổng tỷ suất sinh duy trì dưới mức sinh thay thế, đạt 2,03 con trên một phụ nữ. “Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng, miền. Khu vực thành thị là 1,80 con trên một phụ nữ, khu vực nông thôn là 2,15 (thấp nhất là khu vực Đông Nam bộ: 1,69; cao nhất là khu vực Tây Nguyên: 2,65). Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam tương đối cao, đạt 111 bé trai trên 100 bé gái.
Tính đến 0 giờ ngày 1-4-2009, cả nước có 43,8 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc, chiếm 51,1% dân số (thành thị có 11,9 triệu người, nông thôn có 31,9 triệu người), lao động nữ chiếm 46,6% tổng lực lượng lao động.
Nước ta cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số. Sau 10 năm, chỉ số già hóa đã tăng từ 24,5% (năm 1999) lên 35,9% (năm 2009). Chỉ số già hóa của Việt Nam hiện nay cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (30%). Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 3,7 tuổi lên 72,8 tuổi (nam đạt 70,2 tuổi, nữ 75,6 tuổi).
Như vậy, trong thời kỳ dân số vàng này, Việt Nam cũng cần có những chính sách phù hợp với sự già hóa dân số để đảm bảo an sinh xã hội cho người già, vì nhóm dân số già dễ bị tổn thương trước những khó khăn trong cuộc sống.
Dân số Việt Nam phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng. Hai vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long có 43% dân số của cả nước sinh sống. Ngược lại miền trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên chỉ chiếm gần 19% dân số của cả nước.
Sau 10 năm, dân số của vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên tăng, còn lại 4 vùng khác đều giảm, cho thấy Đông Nam bộ và Tây Nguyên có tốc độ nhập cư cao. Sự phát triển kinh tế của các khu đô thị, các khu công nghiệp, chế xuất làm tăng mức nhập cư.
Số lượng và tỷ lệ học sinh đi học các cấp ngày càng tăng. Đến nay chỉ còn 4 triệu người chưa đi học, chiếm 5% dân số từ 5 tuổi trở lên mà tập trung chủ yếu ở các độ tuổi già. Sự khác biệt về tỷ lệ biết chữ giữa khu vực thành thị và nông thôn cũng ngày càng được thu hẹp.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, đời sống của người dân Việt Nam đã có sự cải thiện. Hiện nay, trong 10.000 hộ gia đình Việt Nam thì chỉ 5 hộ không có nhà (hoặc có nhà nhưng không có đủ điều kiện tối thiểu), tỷ trọng nhà riêng của hộ chiếm 93%.
V.Xuân