Tám nhân viên Viện Bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo sẽ phải đối mặt với một cuộc điều trần kỷ luật liên quan đến việc họ làm hư hại chiếc mặt nạ bằng vàng của nhà vua Tutankhamun trong quá trình sửa chữa.
Tháng 8-2014, 8 nhân viên của viện bảo tàng này đã tiến hành gắn lại phần râu bị rời ra của chiếc mặt nạ 3.300 năm tuổi. Trong nỗ lực vội vã để có thể khôi phục như ban đầu, các nhân viên đã dùng quá nhiều keo epoxy gây nên những thiệt hại nghiêm trọng đối với báu vật này.
Theo ông Mohamed Samir - người phát ngôn của Ban Công tố Ai Cập - cho biết, cựu giám đốc viện bảo tàng và là người đứng đầu nhóm phục hồi sẽ phải đối mặt với một phiên điều trần kỷ luật khẩn cấp cùng với 4 chuyên gia và 2 công nhân. Qua quá trình kiểm tra, các công tố viên cho biết hành động nói trên là vô cùng cẩu thả và vi phạm trắng trợn tính khoa học và chuyên nghiệp đối với một cổ vật. “Họ đã xử lý chiếc mặt nạ cực kỳ liều lĩnh”, ông Samir nhấn mạnh. Không chỉ dùng keo gắn lem nhem, mất thẩm mỹ mà chiếc mặt nạ còn bị làm trầy xước. Được biết, cả 8 người đã bị buộc thôi việc từ năm 2014 và chờ đợi kết quả của cuộc điều tra.
Mặt nạ vua Tutankhamun nổi tiếng trong lịch sử
Chiếc mặt nạ bằng vàng của nhà vua Tutankhamun là một trong những báu vật của Viện Bảo tàng Ai Cập. Nó nặng 11kg, được nạm ngọc lưu ly và các loại đá quý. Được biết, vua Tutankhamun qua đời cách đây 3.300 năm khi mới 19 tuổi.
Ngôi mộ của ông được phát hiện năm 1922 tại khu vực thung lũng của các nhà vua ở Luxor bởi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter. Ngôi mộ gần như vẹn nguyên, trong đó có chiếc quan tài và mặt nạ bằng vàng. Sau thiệt hại nói trên, bộ râu của chiếc mặt nạ đã được gắn lại bởi chuyên gia người Đức có tên Christian Eckman trong vòng 2 tháng trời ròng rã. Quá trình hồi phục được thực hiện qua nhiều công đoạn phức tạp, trong đó bao gồm việc quét bằng máy 3D trong khi tiến hành làm nóng chiếc mặt nạ để loại bỏ phần keo cũ đã được sử dụng bởi các công nhân khi họ cố gắng khắc phục thiệt hại mình gây ra.
Vào ngày 16-12 vừa qua, chiếc mặt nạ đã được đặt trở lại trưng bày tại bảo tàng gần quảng trường Tahrir ở Cairo. Theo Eckman, khi Carter khám phá ra kho báu của vua Tutankhamun, phần râu này đã ở trong tình trạng khá lỏng lẻo và ông đã tự tháo rời nó ra.
DUY HẢI