Huy động sức dân
“Khu phố 1 ngày trước là những ao rau muống, sau này người dân nhập cư tứ xứ vào ở mới đổ đất, đắp thành đường đi. Cũng vì đặc thù địa hình và dân cư như vậy nên cuộc sống của người dân rất khó khăn”, bà Tạ Thị The, cựu chiến binh, Phó Bí thư Đảng bộ bộ phận, Phó Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo bền vững khu phố 1 cho biết.
Người gốc Ninh Bình, năm 1975, cô gái The mới 18 tuổi, đang học năm cuối cấp 3 đã xung phong đi bộ đội rồi vào mặt trận phía Nam. Bà nhận nhiệm vụ quân y, sau đó kết hôn cùng một anh bộ đội. Sau 24 năm công tác, bà ra quân, lui về chăm sóc cha mẹ già và đàn con thơ, làm hậu phương cho chồng tiếp tục công tác.
giữ gìn khu phố sạch, đẹp
Sinh sống cùng người dân, bà The thấu hiểu cái khổ khi đường sá bị sình lầy và ngập nước, xe cộ không thể ra vào. “Vào những năm 2000, TP còn nghèo, ở đâu cũng cần ngân sách chăm lo mà mình cứ chờ TP duyệt kinh phí để cải tạo đường thì biết chừng nào đời sống người dân mới được cải thiện. Tôi nghĩ, là công dân thì phải chia sẻ với TP, trước hết phải tự lực, phải đoàn kết để cải thiện đời sống, khi không thể làm được nữa thì mới phụ thuộc vào TP. Vì vậy, tôi mạnh dạn đứng ra vận động các gia đình cùng đóng góp kinh phí nâng cấp hẻm, cải tạo đường”, bà The cho biết.
Từ sự vận động của bà The và tập thể Mặt trận khu phố, thời điểm đó, hơn 100 hộ dân ở tổ dân phố 11, 12 và 13 (khu phố 1) cùng chung tay nâng cấp hẻm 271 Ung Văn Khiêm dài hàng trăm mét. Đến nay, con hẻm đã được nâng cấp 3 lần, cao hơn cốt nền trước đây hơn 2m, được mở rộng hơn 3m, xe hơi, xe tải nhỏ ra vào thoải mái. Bài học về sự tự lực ấy đã lan tỏa đến nhiều tổ dân phố khác. Các con hẻm trong khu phố 1 đều được người dân chung tay nâng cấp nhằm giảm bớt áp lực cho quận, TP.
Bản lĩnh người lính Cụ Hồ
Từ sự năng nổ, không nề hà việc chung, năm 2008, bà The được bầu làm Tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo khu phố 1. Thời điểm bà nhận nhiệm vụ, khu phố 1 còn hơn 100 hộ nghèo, cận nghèo và nhiều gia đình có người thân vướng vào tệ nạn xã hội.
Từ mối quan hệ mà bà xây dựng thời vận động nâng hẻm, rồi cả những năm ngược xuôi giúp người bệnh, bà đã vận động được nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn như Công ty Hải Vương, Công ty Thành Công, Công ty Nguyên Vũ giúp đỡ hàng trăm lao động nghèo ở khu phố 1.
Anh Nguyễn Văn Đức (nhà ở 143/11 Ung Văn Khiêm) tâm sự: “Ngày vợ tôi bỏ đi, các con rơi vào tệ nạn xã hội rồi mắc bệnh nan y, cuộc sống của gia đình tôi tưởng chừng không có lối thoát. Nhưng cô The đã động viên, giúp đỡ, tạo việc làm và sát cánh cùng gia đình tôi suốt nhiều năm qua. Giờ đây cuộc sống ổn định, nhìn lại những ngày tháng trước, tôi cảm phục tấm lòng của cô The thật nhiều”.
Ngoài ra, bà The còn tổ chức mô hình “3 tiết kiệm, 3 tương trợ”, gồm tiết kiệm điện, nước và tiết kiệm tiêu dùng, để tương trợ người nghèo về phương tiện đi lại, tạo sinh kế và tặng bảo hiểm y tế… Mô hình nhận được sự hưởng ứng của người dân trong khu phố. Từ những nỗ lực ấy, đến nay khu phố 1 đã hết hộ nghèo, chỉ còn 5 hộ cận nghèo.
Trong suốt những năm làm Phó Trưởng ban công tác Mặt trận và Tổ Trưởng tổ Tự quản giảm nghèo khu phố 1, vấn đề khiến bà The trăn trở nhất là làm thế nào để kéo những người từng lầm lỡ, những người bị bệnh xã hội tham gia vào công tác cộng đồng và kêu gọi cộng đồng dang tay giúp đỡ họ.
“Khó không có nghĩa không làm. Bản chất người lính bộ đội Cụ Hồ từng trải qua bom đạn và những gian khổ, thiếu thốn trong rừng sâu thì khó khăn hiện nay không là gì. Việc gì cũng có thể giải quyết, miễn sao đủ quyết tâm, đủ nhiệt huyết và đủ hy sinh”, bà The trải lòng.
Để rồi bà không quản ngại, bỏ thời gian hàng năm trời để tỉ tê với người lầm lỡ, rồi lại tỉ tê với xóm giềng của họ. Chính bằng sự quyết tâm, nhiệt huyết và hy sinh ấy, bà đã kéo giảm khoảng cách giữa những con người từng một thời lầm lỡ với cộng đồng, giúp họ tham gia các hoạt động chung và dần quên đi năm tháng sống có lỗi với cuộc đời.
Dĩ nhiên, để khu phố 1 có được thành quả hôm nay là những ngày tháng bà The phải lăn xả cùng người dân, mồ hôi có, nước mắt có nhưng cũng không thiếu nụ cười.
Như lời Bác nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thấm nhuần điều đó, bà The luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu để vận động người dân cùng tham gia các hoạt động chung.
Trong suốt những năm tháng hoạt động tại khu dân cư, bà Tạ Thị The đã 10 lần được khen tặng danh hiệu Dân vận khéo cấp phường và cấp quận. Danh hiệu ấy là món quà tinh thần, là minh chứng cho bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ không chỉ xông pha trên mặt trận giữ nước mà còn cả trong công cuộc xây dựng đất nước. |