Lạm dụng rượu bia
Theo quy định hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu từ 20 độ cồn trở lên là 65%, dưới 20 độ là 35%, bia là 65%. Mức thuế này đã cao, nhưng so với mức thuế TTĐB đối với thuốc lá (75%) hay ô tô có dung tích xi lanh từ 3.000cm3 trở lên (từ 90% đến 150%) thì vẫn còn khá thấp. Thực tế cho thấy, dù bia có mức thuế TTĐB 65% nhưng mức độ tiêu thụ bia vẫn rất lớn.
Thực trạng lạm dụng rượu bia ở nước ta đang ở mức báo động. Trong khi lượng rượu bia sử dụng trên thế giới không tăng trong vòng 10 năm qua, thì ở Việt Nam lại tăng rất cao. Theo thống kê, 10 năm trước Việt Nam còn là nước tiêu thụ bia đứng thứ 8 châu Á, nay đã thành nước tiêu thụ bia nhiều thứ 3 châu Á, với sản lượng tiêu thụ hàng năm hơn 4 tỷ lít bia. Ước tính bình quân mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm.
Dự báo mức tiêu thụ này sẽ còn tiếp tục tăng, vì theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2035 cả nước sẽ sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia. Dự kiến dân số khi đó ở mức 105 triệu người, thì bình quân mỗi người dân Việt Nam sẽ uống đến 52 lít bia/năm.
Rượu bia là một mặt hàng sản xuất - kinh doanh có lợi nhuận cao, nhưng mức tiêu thụ sản phẩm này càng cao càng gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, an toàn giao thông, chưa kể còn ảnh hưởng sức khỏe của người dân, làm giảm năng suất lao động, tạo thêm gánh nặng y tế...
Tại TPHCM, quán nhậu mọc lên khắp nơi. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về mức tiêu thụ rượu bia của người dân thành phố, nhưng qua số liệu từ Sở Công thương, chỉ riêng dịp tết thị trường TPHCM đã tiêu thụ đến 44 triệu lít bia. Việc uống rượu bia diễn ra phổ biến khắp nơi, từ nhà riêng, quán nhậu vỉa hè, đến nhà hàng sang trọng, quán karaoke, vũ trường, kể cả nơi công sở.
Người uống rượu bia không chỉ có nam thanh niên mà còn có người lớn tuổi, phụ nữ và cả một bộ phận vị thành niên nữa. Các quy định của TPHCM như cấm cán bộ - công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ trực, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; cấm bán rượu bia ở một số nơi nhất định, cấm bán rượu bia cho trẻ em… trên thực tế chưa được thực hiện và giám sát thực hiện đầy đủ. Gần như chưa có trường hợp nào vi phạm các quy định này bị xử lý.
Nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia
Nghị quyết 54 cho phép TPHCM bổ sung các loại phí, hoặc mức phí mà TPHCM thực hiện trên địa bàn, vừa để điều tiết hành vi của người dân, vừa góp phần tăng thu, vừa là một công cụ kinh tế. Theo quan điểm của UBND TPHCM, tăng thuế TTĐB đối với rượu bia ở TPHCM là một giải pháp nhằm điều chỉnh hành vi, mục đích chính và quan trọng nhất của việc tăng thuế là nhằm giảm dần mức tiêu thụ rượu bia, hay ít nhất cũng không làm tăng nữa, giảm tác hại của rượu bia đối với đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, giảm lượng tiêu thụ rượu bia cũng đồng thời giảm chi phí sinh hoạt của người dân, giảm chi phí cho tai nạn giao thông và điều trị bệnh, đồng nghĩa với tăng tích lũy, tăng cơ hội và nguồn lực đầu tư cho toàn xã hội.
Nên tăng thuế TTĐB đối với từng mặt hàng rượu bia, ít nhất tăng thêm 20% so với thuế suất hiện hành. Chẳng hạn, rượu từ 20 độ cồn trở lên nên tăng thuế suất mới là 85%, dưới 20 độ là 65%, bia là 85%. Để tránh gây sốc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh ngành rượu bia, có thể có lộ trình, nhưng nên theo một lộ trình là sẽ tiếp tục tăng thuế suất mới sau một khoảng thời gian nhất định.
Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng rượu bia bằng các quy định hiện có, hoặc bổ sung các quy định mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xem xét tăng thuế TTĐB với một số mặt hàng khác, như thuốc lá các loại, nước ngọt… nhằm tác động đến thói quen sử dụng các mặt hàng này, đồng thời góp phần hạn chế các tác hại đến sức khỏe của người dân.