Tại hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD): Kết quả, vấn đề và kiến nghị” diễn ra tuần qua, nhiều chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, rất nhiều ĐKKD được lược bỏ nhưng không có tác dụng nhiều; có những ĐKKD chỉ đơn giản là được “ẩn” đi bằng cách được nhóm lại với nhau và lồng ghép trong quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia; nhiều quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó tiên liệu. Thực tế này là đáng lo ngại trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hành động vì doanh nghiệp. PV Báo SGGP đã có trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, xung quanh những đánh giá trên.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo một nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 10, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm nay đã bị tụt 1 bậc so với năm 2017. Còn báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam tụt hạng 3 bậc, từ vị trí 74 xuống xếp thứ 77 trong số 140 nền kinh tế được xếp hạng. Ông có nhận xét gì về những đánh giá này? Việc cắt giảm ĐKKD có tác động như thế nào đến xếp hạng môi trường kinh doanh nói chung?
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Tôi cho rằng những đánh giá của WB và WEF là khách quan. Thực tế, việc kiên trì thực hiện chuỗi Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tạo ra rất nhiều khác biệt so với trước đây. Tới nay, tuy mức độ, cường độ khác nhau nhưng các bộ, ngành đều đã vào cuộc, tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động. Đặc biệt, từ nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán và thường xuyên có sự theo dõi, đánh giá. Nhờ đó, đã có thể thấy những kết quả rõ nét, khác biệt so với trước, có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông có thể nêu một vài ví dụ tích cực?
Theo đề nghị của Bộ KH-CN, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ này và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, nghị định bãi bỏ Nghị định số 87 năm 2016 về ĐKKD nón bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy đã giúp doanh nghiệp không phải tuân thủ hàng loạt ĐKKD không cần thiết, đi cùng với đó là những khoản chi phí tuân thủ rất lớn. Những doanh nghiệp tới đây tham gia lĩnh vực này sẽ không bắt buộc phải bỏ tiền để đầu tư thiết bị ép, khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ nón, thiết bị sản xuất mút xốp vì những thiết bị này, doanh nghiệp có thể thuê, mượn hoặc tham gia một phần trong chuỗi sản xuất. Bộ Công thương với việc cắt giảm ĐKKD gạo, gas cũng đã tạo cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp tư nhân. Các bộ: TT-TT, VHTT-DL cũng đã cắt bỏ một số ĐKKD thực chất…
Ông có nói đến những ĐKKD cắt bỏ không thực chất. Điều đó thể hiện như thế nào, thưa ông?
Thực tế có không ít những ĐKKD mà việc cắt giảm không đi vào thực chất. Có những điều kiện được tính là sửa đổi, nhưng không có ý nghĩa cải cách thực sự. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ bỏ tên bộ này trong quy định cũ là giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp). Hay hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong quy định mới có số đầu mục dài gấp đôi so với quy định cũ. Việc bãi bỏ quy định người hành nghề hoạt động xây dựng phải “có đủ năng lực hành vi dân sự” thì liệu có tác dụng đáng kể gì hay không, khi mà việc có đủ năng lực hành vi dân sự gần như là điều hiển nhiên!? Nhiều ĐKKD vẫn ở đó, chỉ đơn giản là được “ẩn” đi bằng cách được nhóm lại với nhau và lồng ghép trong quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia. Nhiều quy định vẫn chung chung, thiếu rõ ràng, khó tiên liệu.
Vậy theo ông, làm thế nào để tăng tính thực chất của công việc rà soát, cắt bỏ, sửa đổi các ĐKKD?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần có một cơ quan đảm nhiệm vai trò “bộ lọc” nhằm rà soát các văn bản pháp luật để nhận diện các ĐKKD trá hình, tránh tình trạng lồng ghép thêm ĐKKD trong các văn bản mới ban hành; đồng thời giúp các bộ, ngành nâng cao trách nhiệm giải trình đối với văn bản do họ đề xuất. Để cơ quan này hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần có sự tham gia của các luật sư, chuyên gia độc lập và huy động được nguồn lực bên ngoài tham gia thẩm định luật.
Nhưng, quan trọng hơn, tôi cho rằng khi bước vào giai đoạn thực thi như hiện nay, vai trò quyết định thành công của công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh đang dần chuyển sang lãnh đạo địa phương.
Xin ông nói rõ hơn về nhận định này?
Có quy định tốt, nhưng không được thực thi nghiêm túc thì rốt cuộc cũng không tạo được chuyển biến thực sự. Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng họ bị “hành” với lý do lãnh đạo đi vắng, hay hồ sơ chưa rõ ràng, buộc phải đến gặp trực tiếp mới giải quyết được. Cho nên, doanh nghiệp có thực sự cắt giảm được thời gian, chi phí theo tính toán của các nhà hoạch định chính sách hay không phụ thuộc vào việc lãnh đạo địa phương có thực sự sâu sát, quyết liệt với công việc này hay không, công chức thực thi có thấy áp lực phải thay đổi để doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong khởi nghiệp, trong sản xuất kinh doanh hay không. Cần luôn luôn nhớ rằng, chúng ta cải cách rất mạnh, nhưng thế giới chuyển động còn nhanh hơn và đang có một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng giữa các nền kinh tế thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Xin cảm ơn ông