Trình bày báo cáo tại sự kiện, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thẳng thắn nhận xét, có rất ít điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động được cắt giảm. Các cải cách về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động chủ yếu dưới hình thức giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất. Trong nhiều trường hợp, các “cải cách” như vậy không có nhiều ý nghĩa.
Chẳng hạn, điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với tổ chức huấn luyện, quy định trước khi cắt giảm là “có ít nhất 5 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung chuyên ngành, trong đó có ít nhất 3 người huấn huyện chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện và 1 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động”.
Sau khi cắt giảm, điều kiện là “có ít nhất 4 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung chuyên ngành, trong đó có ít nhất 1 người huấn huyện chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện và 1 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động”.
Hay như về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, quy định trước khi cắt giảm là “diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5 – 7,5m2/ chỗ học”. Sau khi “cắt giảm”, quy định được sửa thành: “khi cắt giảm là “diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5m2/ chỗ học”. “Tôi không hiểu được lý lẽ và tác dụng của việc cắt giảm như thế”, bà Nguyễn Minh Thảo bình luận.
Nguyên Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cũng nhận xét: “Những quy định kiểu bao nhiêu m2 như thế không có căn cứ khoa học, thậm chí kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trong thời đại 4.0 cứ áp thế thì không thể có được mô hình kinh doanh mới, cách thức kinh doanh mới”. Những công cụ quản lý kiểu này, theo TS Nguyễn Đình Cung, đã quá lỗi thời, trì trệ. Chẳng hạn, các mô hình đào tạo từ xa sẽ bị bác bỏ với các “công cụ quản lý” này, trong khi trên thế giới, đào tạo từ xa đang phát triển rất hiệu quả.
Một điều đáng lưu ý khác là các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động thể hiện sự phân chia quyền lực nhà nước. Bà Nguyễn Minh Thảo dẫn chứng: trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định an toàn lao động chỉ phải xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nay phải xin phép tại 10 bộ quản lý chuyên ngành, gồm Lao động Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Giao thông – Vận tải; Quốc phòng; Công an và Y tế). Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo chính thức mà doanh nghiệp phải trả vào khoảng 10 triệu đồng/ người…
Bên cạnh đó, các nghiên cứu viên CIEM cũng liệt kê hàng loạt văn bản khác quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới được ban hành thêm, nhưng không hợp lý, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.