Ngày 7-11, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) được trình tại phiên họp lần này có bố cục gồm 6 Chương, 40 Điều, quy định về về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; áp dụng cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân và cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá. |
Nhằm tạo động lực và khuyến khích người chấp hành án phạt tù phấn đấu cải tạo tốt, Luật Đặc xá hiện hành quy định người bị kết án về bất kỳ tội phạm nào nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì đều được đề nghị xét đặc xá, mà không quy định loại trừ các tội danh cụ thể.
Để bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, đồng thời tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: đối với một số tội mà Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá, nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác (cụ thể, phải chấp hành ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn).
Đồng thời, đối với những trường hợp này, Chủ tịch nước có quyền quyết định không đặc xá trong từng đợt đặc xá cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, với người đang chấp hành án treo thì BLHS đã có quy định giao Tòa án quyết định rút ngắn thời gian thử thách ngoài xã hội đối với họ nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ. Vì vậy, đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người được hoãn chấp hành hình phạt tù và người đang thi hành án treo nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.
Thảo luận về dự thảo, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) lưu ý, người bị kết án tội tham nhũng phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản là chặt chẽ và thể hiện sự nghiêm minh. Đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội phạm tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá, song cần làm rõ “đã chấp hành một phần nghĩa vụ” cụ thể là bao nhiêu.
ĐB Mai Khanh, cho rằng quy định “có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú” vì dễ bị lạm dụng trong thực tiễn, vì “chỉ cần xác nhận của chính quyền cấp xã thì có phù hợp hay không”.