Theo Washington Post, hôm 22-4, Tổng thống Donald Trump đã làm tăng đáng kể viễn cảnh xung đột qua dòng Twitter rằng ông đã chỉ thị cho hải quân Mỹ bắn hạ và tiêu diệt bất kỳ tàu chiến của Iran nếu bị quấy rối trên biển. Chẳng ngạc nhiên khi ngay hôm sau, chỉ huy của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố bất kỳ động thái nào của Mỹ gây nguy hiểm cho các tàu Iran sẽ được đáp trả lập tức và thích đáng.
Cho đến nay, chiến dịch gây áp lực tối đa của ông Donald Trump được cho là buộc Iran trở lại bàn đàm phán vẫn chưa có kết quả. Về mặt lý thuyết, Mỹ tin rằng chính sách trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt được thành công khi gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Iran.
Các tổ chức viện trợ quốc tế, nhiều đồng minh của Mỹ và cả một nhóm cựu quan chức nổi tiếng của Mỹ đã tranh luận về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt hoặc cung cấp tài trợ cho Iran vì các nhu cầu y tế. Nhưng trong số này không có ai thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump. Báo cáo hồi đầu tháng này của Bộ Ngoại giao Mỹ, liên quan tới lệnh trừng phạt Iran, còn cho rằng chiến dịch nhằm thu hút sự chú ý các nước của Iran không nhằm mục đích cứu trợ hay vì sức khỏe của người dân Iran mà là để gây quỹ cho các hoạt động khủng bố.
Hiện Iran đang tìm kiếm viện trợ tài chính từ các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế, trong đó có khoản vay trị giá 5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà Mỹ đã ngăn chặn lại. Một số nước và cả đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã tỏ ý lấy làm tiếc trước quyết dịnh của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng họ đã đưa ra rất nhiều lời đề nghị viện trợ không ràng buộc cho Iran mà Tehran đã từ chối. Nếu Chính phủ Mỹ thực sự đã làm như vậy, thì vẫn chưa làm rõ hình thức viện trợ nào sẽ đến hoặc thông qua các kênh nào. Có điều chắc chắn là Mỹ luôn tuyên bố sẽ không từ bỏ chính sách “gây áp lực tối đa” nhằm vào Iran, ngay cả khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành; đồng thời tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt để kiềm chế chương trình phát triển tên lửa, cũng như ảnh hưởng khu vực của Iran.
Cuộc khủng hoảng thực tế đã mang đến cơ hội cho nhiều nước gạt các tranh chấp an ninh khu vực ra sau để nhường chỗ cho những bước đi tìm kiếm tiếng nói chung vì cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, thay vào đó, đại dịch cũng đã trở thành một chiến tuyến khác trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa Washington và Tehran.