Trăn trở điêu khắc công cộng
Trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay, tác phẩm điêu khắc không chỉ đóng vai trò làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn phục vụ đời sống tinh thần xã hội. Tại tọa đàm Điêu khắc TPHCM: Thực trạng và xu hướng phát triển do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức vào sáng 22-7, nhà điêu khắc Phan Tấn Toàn phân tích: “Ngoài làm đẹp không gian, tác phẩm điêu khắc còn đóng vai trò thúc đẩy nâng cao thẩm mỹ cộng đồng thông qua việc đưa hiệu quả hình khối, mảng miếng của điêu khắc ra không gian công cộng. Từ đó, giúp người xem tiếp cận tác phẩm trong khoảng không gian phù hợp, thu hút công chúng cảm thụ nghệ thuật và thu hút khách tham quan du lịch tìm đến như điểm nhấn đặc trưng khi ghé lại thành phố… Những điều này dần dần sẽ giúp nâng cao tác động của tác phẩm mỹ thuật đối với công chúng”.
Tuy nhiên, việc đưa các tác phẩm điêu khắc ra không gian công cộng của TPHCM hiện vẫn còn nhiều trăn trở. Hầu hết các không gian công cộng tại TPHCM không được quy hoạch ngay từ đầu trong tổng thể, nên việc bổ sung, chỉnh trang phải đối mặt với khó khăn khi tác phẩm điêu khắc là yếu tố được đặt sau cùng giữa các công trình cổ và hiện đại đan xen nhau. Điều này gây khó khăn trong việc giúp cho tác phẩm điêu khắc trở thành một phần trong tổng thể thống nhất, hoàn chỉnh của không gian đô thị.
Thể loại tượng ngoài trời nói chung và tượng công viên nói riêng đều cần khoảng không gian xung quanh hợp lý, hài hòa. Ngoài việc phải quan tâm các yếu tố về hướng quan sát, vị trí, phải có sự hài hòa về tỷ lệ, quy mô, phong cách các tượng với các công trình đã có sẵn, mảng cây xanh, thảm cỏ, khoảng cách giữa các tượng trong một không gian…
Tiếp cận công chúng, gắn kết không gian
Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, là sản phẩm của sự phản ánh thế giới hiện thực qua tư duy sáng tạo, tiếp nhận của con người về mặt thẩm mỹ. Chính vì thế, tác phẩm nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng, phải có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, cần gây được cảm xúc mạnh tới thị giác thẩm mỹ và giữ lại âm vang lâu dài trong tâm hồn của người thưởng thức. Nhưng thực tế, để làm được điều này không dễ, bởi điêu khắc vốn kén công chúng cảm nhận so với nhiều hoạt động mỹ thuật khác.
Với sự thay đổi nhận thức và quan niệm của xã hội theo hướng cởi mở, thời gian gần đây, nghệ thuật công cộng không chỉ dừng lại ở những tác phẩm mỹ thuật hoành tráng, công viên, đường phố..., không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật, mà còn thể hiện qua nhiều hình thức biểu diễn tạo nên không gian văn hóa, như: lễ hội âm nhạc, festival các loại hình nghệ thuật đường phố...
Giáo sư - nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM) nhìn nhận: “Không gian nghệ thuật công cộng ở TPHCM sẽ rất phong phú khi tận dụng, triển khai được các tác phẩm điêu khắc tại nhà máy cũ, bến xe buýt, công viên bờ sông, kênh, quảng trường các khu đô thị mới, các nhà ga đường sắt đô thị trên cao..., để không chỉ làm đẹp thêm không gian văn hóa công cộng mà còn tiếp cận gần hơn công chúng và thổi vào đó sức sống mới”.
Điêu khắc công cộng góp phần nâng tầm giá trị cho các đô thị và tạo ra đặc thù, hình ảnh riêng biệt cho thành phố; đồng thời chúng cũng góp phần tạo nên những biểu tượng, sắc thái riêng và có vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của xã hội hiện đại. Do đó, rất cần tổ chức lại không gian chức năng để đáp ứng các yếu tố về thẩm mỹ môi trường, hướng cho quy hoạch phát triển đô thị, mà trong đó phải có những khoảng không gian văn hóa dành cho điêu khắc công cộng.
Nhà điêu khắc Trần Mai Hữu Quý chia sẻ: “Trong suốt quá trình hoạt động hơn 10 năm, tôi cảm nhận điêu khắc vẫn luôn được đông đảo giới trẻ đón nhận. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, các bạn trẻ đến với triển lãm điêu khắc thường theo phong trào, dù xem tượng rất say mê và thích thú, nhưng lại ít quan tâm tìm hiểu ý nghĩa và nội dung mà tác giả muốn truyền tải, từ đó khó có được cái nhìn và cảm nhận trọn vẹn về tác phẩm điêu khắc”.