1. Giữa sắc cờ rợp trời và những bước chân miệt mài luyện tập cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sự xuất hiện của các văn nghệ sĩ “gạo cội” trong đội hình diễu hành của Khối Văn hóa - Thể thao (do TPHCM phụ trách) hứa hẹn mang đến dấu ấn đặc biệt.
Trước khi nhập vào dòng người đang chuẩn bị luyện tập diễu hành, NSND Kim Xuân siết chặt tay, ánh mắt rưng rưng nhìn về phía Hội trường Thống Nhất. Nơi ấy, vào một ngày đầu tháng 5-1975, cô nữ sinh Kim Xuân - khi đó mới tròn 19 tuổi, cũng từng có mặt và cùng các nữ sinh Sài Gòn tham gia diễu hành. Trong dòng người rạng rỡ niềm vui chiến thắng, cô gái trẻ ấy đã có cuộc diễu hành không thể nào quên trong đời - cuộc diễu hành đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam.

Năm ấy, Kim Xuân chưa hề biết mình sẽ trở thành một nghệ sĩ, càng chưa từng nghĩ sẽ có ngày trở lại chính nơi này, trong một cuộc diễu hành lần nữa - khi mà tóc đã điểm sương, và khi đã đi qua bao mùa sân khấu, bao vai diễn để đời. “Tôi từng ngồi trên khán đài kỷ niệm 30 năm đất nước thống nhất, được vinh dự nhìn thấy bác Võ Nguyên Giáp ở một khoảng cách rất gần. Có thể mười năm nữa mình không còn đủ sức để tham gia lễ kỷ niệm 60 năm thống nhất đất nước. Nhưng hôm nay, khi còn đi được, còn thấy lòng mình thổn thức thì phải đi. Phải đi như một lời cảm ơn”, NSND Kim Xuân xúc động chia sẻ.
Vinh dự là một trong 46 văn nghệ sĩ góp mặt trong đội hình diễu hành, NSND Kim Xuân luôn có mặt từ rất sớm tại các buổi tập, tự tay chuẩn bị mọi thứ thật chỉn chu. Giữa những cờ hoa, giữa tiếng nhạc hào hùng là hình ảnh NSND Kim Xuân - một người nghệ sĩ 69 tuổi rạng rỡ và đầy nhiệt huyết. “Với tôi, đây không chỉ là một buổi diễu hành mà là một cột mốc của đời người. Một ký ức đẹp mà sau này, khi ngồi bên con cháu, tôi có thể tự hào mà kể lại rằng mình từng đi giữa lòng thành phố vào lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, rằng mình đã sống qua những năm tháng khốc liệt của đại dịch Covid-19, khi mà cả thành phố gồng mình chống chọi, rồi cùng nhau đứng dậy mạnh mẽ từ trong đau thương”, NSND Kim Xuân xúc động.
2. Dù những cơn mưa bất chợt kéo về, nhưng các văn nghệ sĩ, các vận động viên tiêu biểu của TPHCM vẫn hăng say tập luyện. Có mặt trong đội hình diễu hành Khối Văn hóa - Thể thao, Hoa hậu H’Hen Niê không giấu được nỗi xúc động, tự hào. “Để có ngày hôm nay, ngày mình được sống, được mơ, được làm điều mình yêu, Hen luôn ghi nhớ công ơn của những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Hen nghĩ, thế hệ trẻ chúng ta cần trân trọng điều đó bằng sự cống hiến. Cống hiến không nhất thiết là điều gì quá lớn lao, mà có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất - miễn là ta luôn nghĩ về cộng đồng, về xã hội và đất nước”, Hoa hậu H’Hen Niê tâm sự.
Chia sẻ với chúng tôi, chàng trai trẻ Đỗ Minh Châu (sinh năm 2003), hiện là công nhân một công ty may ở huyện Nhà Bè (TPHCM), hào hứng kể về những kỷ niệm đẹp trong suốt tháng ngày tập luyện diễu hành. Châu mang theo mình một niềm hứng khởi rất đỗi trong trẻo: “Sắp tới không còn tập nữa, chắc nhớ lắm…”. Câu nói ấy bật ra nhẹ nhàng, như một lời luyến tiếc rất thật. Bởi với Châu, những ngày tháng tập luyện vừa qua không chỉ đơn thuần là những buổi ra sân đều đặn, mà là một hành trình đẹp đẽ, nơi cậu là một phần trong ngày lễ trọng đại của đất nước. Từ huyện Nhà Bè lên tới đường Lê Duẩn (quận 1) không phải là quãng đường gần, nhưng Châu tâm sự: “Ngay từ đầu, khi được chọn vào đội hình Khối Công nhân, em thấy đó là một vinh dự to lớn. Đã là vinh dự thì mấy chuyện như đi xa, dậy sớm, mỏi chân... đâu có là gì”. Châu kể lại những ngày đầu chân tay còn lóng ngóng, “đêm về mỏi nhừ”, nhưng nhờ tập hoài rồi thành quen, đến nay đã “ngon lành” - bước đều, nhịp vững, ánh mắt luôn hướng thẳng phía trước.
Không chỉ riêng Châu mà tất cả mọi người trong các khối đều nghiêm túc, hết mình. “Chúng em luôn nhắc nhau rằng, khi đã được đi trong đội hình này thì phải thực hiện cho thật nghiêm túc, chỉn chu. Chuyện cá nhân nếu chưa quá cấp thiết thì tạm gác lại, để dồn hết tâm sức vào tập luyện cho buổi diễu hành chính thức sắp tới”, Châu nói, ánh mắt sáng lên niềm tin và lòng tự hào.
Có lẽ trong các khối diễu hành của TPHCM, mỗi người đều có cho riêng mình một câu chuyện, một hành trình. Nhưng tất cả đều gặp nhau ở cùng một điểm chung: được góp mặt trong ngày hội lớn của non sông. Có lẽ sau tất cả, họ cùng mang chung một niềm tự hào: được thuộc về thành phố này - một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.