Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành công thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1-2023, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước trong bối cảnh hết sức khó khăn thời gian qua. Thủ tướng nêu rõ, để phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng và mở rộng xuất khẩu, trước hết tập trung cho 4 quy hoạch, gồm: Quy hoạch điện lực quốc gia; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.
Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích các vấn đề liên quan tới điện. Theo Thủ tướng, giá điện của nước ta không thể giống các nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, chia sẻ khó khăn và rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành giật cục, mà phải cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.
Cùng với đó, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng cường kiểm tra, giám sát. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành điện, dầu khí, than… Phát huy kinh nghiệm để xử lý hiệu quả những khó khăn, vướng mắc kéo dài đối với các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. Bộ Công thương cần tiếp tục nghiên cứu xử lý các vướng mắc đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…