Điều hành chưa nhuần nhuyễn trong trạng thái cao hơn bình thường và thấp hơn tình trạng khẩn cấp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, hiện nay, đã có tương đối đầy đủ các văn bản pháp luật để phòng, chống dịch; có chăng chỉ chưa có ở mức cao hơn trạng thái bình thường và thấp hơn tình trạng khẩn cấp. Vướng mắc chủ yếu vẫn là do văn bản dưới luật và điều hành cụ thể.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, mặc dù đợt giám sát này Ủy ban Thường vụ Quốc hội không yêu cầu HĐND các tỉnh/thành phố phải báo cáo, nhưng khuyến khích HĐND tự tổ chức giám sát. Một số HĐND các địa phương tổ chức giám sát và có báo cáo rất tốt. Đoàn cũng đã nhận được báo cáo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Đại biểu dự họp xem phim về kết quả giám sát do Đoàn giám sát phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện
Đại biểu dự họp xem phim về kết quả giám sát do Đoàn giám sát phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong dự thảo nghị quyết có nêu 6 khuyết điểm, tồn tại về huy động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nguyên nhân chính được nêu trong dự thảo là “hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát, chưa điều chỉnh hết các quan hệ tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống”.

Phó Chủ tịch Trần Quang Phương đề nghị chỉ rõ khoảng trống pháp luật. Hiện nay, đã có tương đối đầy đủ các văn bản pháp luật để phòng, chống dịch; có chăng chỉ chưa có ở mức cao hơn trạng thái bình thường và thấp hơn tình trạng khẩn cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Trần Quang Phương, trong thời kỳ đại dịch, tuy chưa công bố, nhưng thực tế đã áp dụng toàn bộ các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp. Phải chăng vấn đề là ở thực tiễn chỉ đạo, xuất phát từ nhận thức không thống nhất ngay cả trong quá trình triển khai công việc, trong quá trình tổ chức thực hiện, dẫn đến khó khăn trong thanh quyết toán các nguồn lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm về đánh giá này, không để xảy ra tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật.

“Tuy hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là do văn bản dưới luật và điều hành cụ thể”, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương nhận định.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đánh giá cao đoàn giám sát đã triển khai công việc rất công phu, nỗ lực làm việc với Chính phủ về một số vấn đề lớn của chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn, không phải chỉ là tổng kết một Nghị quyết của Trung ương hay một Nghị quyết của Quốc hội, mà cần nhận thức rõ giám sát tối cao là để đánh giá tổng thể việc thực hiện hệ thống pháp luật, nhìn nhận rõ thực tế, những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có biện pháp khắc phục khả thi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Chính vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không, việc quản lý, sử dụng nguồn lực cụ thể cho phòng, chống dịch ra sao, lượng vaccine thừa, quá hạn cụ thể là bao nhiêu…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong báo cáo giám sát

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong báo cáo giám sát

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong báo cáo giám sát. Theo đó, Nghị quyết 30 đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách. Tuy nhiên, những biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan ban hành, và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chấp hành.

“Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng một cách bừa bãi, không phải là hợp thức hóa sai phạm”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục