Hàng trăm hộ dân sống xung quanh đây nhiều năm nay vẫn đang gồng mình chống chọi với bụi tro, tiếng ồn, mùi hôi thối… do nhà máy này thải ra.
Dân làng “kể tội”
BISUCO - cái tên trong những tháng qua làm dậy sóng dư luận tại Bình Định. Người ta ngán ngẩm bởi sự vô trách nhiệm của DN này. Theo ghi nhận mới đây của phóng viên Báo SGGP, nhà xưởng BISUCO vẫn đang hoạt động, các công nhân, phương tiện, máy móc vẫn bốc dỡ hàng… Nhà xưởng trông nhếch nhác, những hạng mục hoen gỉ, xuống cấp trầm trọng. Khi liên hệ làm việc với lãnh đạo đơn vị thì nhận được trả lời rằng: “Lãnh đạo đi vắng”. Gặp những người dân sống quanh khu vực nhà máy, ai nấy đều bức xúc… “kể tội” BISUCO.
Bà Ngô Thị Sen, 66 tuổi, người dân tại thôn Tã Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định), nói: “Suốt 4 năm nay chúng tôi phải hứng chịu trăm loại ô nhiễm: Bụi bặm, bã tro màu đen bay khắp vùng, tiếng ồn, mùi hôi thối nồng nặc… từ nhà máy đường. Nhất là những khi gió Nam thổi, tro bụi, bã mía đen, trắng bay đầy không khí, bám trên bàn ghế, có thể hốt được…”. Anh Trương Đình Thân (42 tuổi, thôn Tả Giang) kể thêm: “Năm vợ chồng tôi tổ chức đám cưới, khi dọn ăn, bụi từ nhà máy bay phủ không khác gì rưới tiêu lên mâm cỗ. Vì sống trong môi trường ô nhiễm như thế nên sinh ra nhiều bệnh tật, hiện gia đình tôi có mẹ già 69 tuổi đang bị ung thư vòm họng; trước đó, bố tôi cũng bị ho lao phải đến bệnh viện điều trị. Còn trẻ nhỏ ở trong xóm này thì liên tục bị các bệnh đường hô hấp, viêm phế quản…”.
Ở cuối xóm Chài, thôn Tả Giang, có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn (65 tuổi), nhiều năm trước phải chịu cảnh thiếu nước sạch do giếng bị ô nhiễm. Bà Nhàn kể: “Giếng tôi đào trước khi Nhà máy đường BISUCO đi vào hoạt động. Trước đây, giếng trong, ngon ngọt nhất vùng. Làng trên xóm dưới đều đổ về đây lấy nước. Nhưng 4 năm trở lại đây, giếng bị ô nhiễm nặng, có chất dính tạo váng nhuộm vàng thau, đồ dùng, quần áo, kinh khủng lắm. Giờ phải bỏ giếng”.
Bà Châu Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang cũng than: “Công ty đường BISUCO khi chuyển sang cho Ấn Độ thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Vì biệt lập nên không thể hợp tác với họ được, xã cũng chịu thua. Từ khi có đập Vân Phong, nước sông Côn dâng lên cao, các cửa thải nhà máy đường ngập sâu, nên họ xả thứ gì xuống dưới cũng không ai biết. Vừa rồi, Sở TN-MT về lấy mẫu, chỉ lấy ở cửa thải trên cao, còn 4, 5 cửa dưới ngầm thì chưa thể lấy mẫu được”.
Anh Thân kể, trước đó nhiều lần ra sông Côn đánh cá, anh đã tận mắt chứng kiến nhà máy xả nước thải qua ống xả ra sông Côn. Tại một cửa thải trên mặt nước, anh thấy chất thải là nước lẫn bột, bèo đen ngòm như keo chảy thẳng ra sông. Sông Côn phía trên khu vực Công ty BISUCO xả thải, cá chết bị lở loét.
Mua mía trả… đường?
Theo số liệu thống kê niên vụ 2017 - 2018, BISUCO chính thức đưa ra con số nợ nần lên đến 70 tỷ đồng. Mặc dù mỗi ngày nhà máy xuất kho từ 250 - 400 tấn đường nhưng vẫn chưa thể trả đủ nợ. Nhiều hộ dân trồng mía và tư thương đành ngậm ngùi, bấm bụng lấy đường trừ nợ. Theo thống kê, công ty nợ nông dân 46,6 tỷ đồng; nợ thuế 8,2 tỷ đồng; nợ lương người lao động 4 tỷ đồng; nợ BHXH 3,5 tỷ đồng; nợ thủy lợi phí 4,1 tỷ đồng; nợ vật tư và các khoản khác 5,2 tỷ đồng; doanh nghiệp này còn tồn kho 4.000 tấn đường…
Đơn cử, trường hợp của ông Trần Văn Vân (43 tuổi) xã Thành An (TX An Khê, Gia Lai), có đến 10ha đất trồng mía, năng suất đạt đến 1.000 tấn mía/năm. Từ tháng Chạp năm trước đến nay, ông Vân đã bán mía cho BISUCO, tuy vậy đến nay DN vẫn còn nợ ông Vân trên 300 triệu đồng. Khi nghe DN sắp bị niêm phong, sáng 13-4, ông Vân đã đến nhà máy của BISUCO lấy đường để trừ nợ. “Lấy đường ra tui bán lại các đại lý, cứ 100 triệu đồng mất đứt 5 triệu đồng. Tuy vậy, đường ấy cũng chưa giải quyết hết nợ được, hiện BISUCO còn nợ tôi 100 triệu đồng nữa”, ông Vân nói như mếu.
Từ đầu vụ đến nay, anh Đỗ Đình Cư (xã Tây Giang) đã bỏ tiền túi mua đến 3.000 tấn mía của dân, giá 900.000đ/tấn (tính cả tiền vận chuyển), về nhập cho BISUCO. Đợt rồi, anh cũng phải nhanh chân lên “cướp nợ” bằng việc lấy đường. “Biết chịu lỗ nhưng phải làm sao bây giờ? Vốn liếng của tôi BISUCO “nuốt” hết rồi, tiền đâu đi buôn lại đây. Hiện họ còn nợ tôi cả tỷ đồng, chẳng biết khi nào mới đòi lại được”, anh Cư kể. Mấy ngày rồi, chính quyền huyện Tây Sơn phải “mất ăn mất ngủ” cử người chốt, trực 24/24 giờ đề phòng xảy ra xung đột giữa nông dân và BISUCO.
Trước đó, Sở TN-MT Bình Định đã tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện hệ thống xử lý nước thải của BISUCO chưa hoạt động ổn định, nước thải theo 2 cửa xả ra sông Côn không đạt quy chuẩn cho phép. Đáng nói, dù UBND tỉnh Bình Định đã 2 lần ra văn bản yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động, nhưng DN vẫn cố tình không khắc phục việc xả thải. “Bình Định kiên quyết không chấp nhận đánh đổi kinh tế để môi trường bị ô nhiễm. Hiện, chúng tôi đang thực hiện các bước niêm phong nhà máy của BISUCO, không cho họ sản xuất cho đến khi thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.