Để ứng phó với bão Mangkhut đang lao vào biển Đông, chiều 14-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với các tỉnh và thành phố nằm trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng của siêu bão này.
Mặc dù khi vào vịnh Bắc bộ rồi cận đất liền, bão giảm cấp, không còn là siêu bão nữa nhưng vẫn là một cơn bão lớn.
Báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn nhận định đây là cơn bão nguy hiểm.
Thiếu tướng Ngô Quý Đức cho biết hiện Bộ Quốc phòng đã có công điện gửi các đơn vị và các quân khu, các lực lượng chỉ đạo sẵn sàng ứng phó với bão. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã có kế hoạch điều động tổng lực lượng gồm 400.000 quân, 3.000 phương tiện thiết bị, 44 tàu và 8 máy để sẵn sàng ứng phó với bão.
Phát biểu chỉ đạo chống bão Mangkhut, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng và các địa phương, bộ ngành liên quan khẩn trương triển khai ứng phó chống bão trên biển và trên đất liền. Các nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ nhà cửa của người dân và các công trình công cộng như: trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan nhà nước... Bảo vệ hệ thống đê biển và đê sông khi bão đổ bộ. Tổ chức di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ở ven biển có nguy cơ gió lốc mạnh và ở miền núi có nguy cơ sạt lở.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải rà soát lại các công trình xây dựng, đang xây dựng trước cơn bão này; bảo vệ các cột tháp, ăng-ten và di dời ngay người dân sống ở những khu vực xung quanh các cột tháp, ăng-ten có nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ.
Trên biển, bên cạnh cấm tàu thuyền ra khơi, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Không để mất điện kéo dài, mất thông tin liên lạc khi bão Mangkhut đổ bộ.