Liên quan đến vụ “Phá đường dây mua bán, sản xuất giấy tờ giả quy mô lớn” như Báo SGGP đã thông tin, ngày 27-8, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an đã thông tin thêm về vụ việc.
Đến nay, công an đã bắt giữ 18 đối tượng và thu giữ hàng ngàn tang vật như: bằng lái xe, chứng minh nhân dân, bằng đại học, giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẻ nhà báo…
Bước đầu, công an xác định đường dây mua bán, sản xuất giấy tờ giả quy mô lớn ở TPHCM và tỉnh Đồng Nai do Nguyễn Trọng Dương (SN 1989, ngụ tỉnh Nghệ An, trú tỉnh Đồng Nai) cầm đầu. Nhóm này khai, đường dây hoạt động từ năm 2017 tới nay.
Để dễ dàng hoạt động thì Dương lôi kéo thêm nhiều người khác. Dương đầu tư mua máy móc hiện đại và thuê người để hoạt động. Về phôi thì Dương lấy của Phạm Văn Phi.
Một thời gian sau đó, Trần Đức Toàn (SN 1990, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) và Nguyễn Thanh Phong (SN 1976, ngụ tỉnh Vĩnh Long) tách Dương ra làm riêng để kiếm lợi.
Toàn và Phong mua máy móc và mở xưởng ở quận Bình Tân và một số căn nhà tại các quận huyện ở vùng ven TPHCM.
Đường dây của các đối tượng này hoạt động hết sức tinh vi và kín kẽ. Xưởng sản xuất của Dương cam kết làm mọi loại giấy tờ theo yêu cầu của khách đặt hàng, giống như thật. Do đó, đường dây của các đối tượng có uy tín với các khách hàng và được nhiều người liên hệ. Phần lớn khách nếu đặt hàng làm các loại giấy tờ thì Dương không trực tiếp giao dịch mà thông qua các đối tượng khác trên toàn quốc.
Các đối tượng này sẽ quảng cáo thông tin trên các trang mạng xã hội. Khi khách có nhu cầu thì sẽ liên hệ với các đối tượng. Tiếp đó, các đối tượng này chốt rồi đặt hàng cho Dương làm. Khi Dương làm xong sẽ báo cho các đối tượng để giao dịch. Riêng với Phong, Toàn thì nhận đặt hàng trực tiếp của khách. Nếu có giấy tờ nào khó thì cả 2 đặt Dương làm giúp.
Khi làm xong, nhóm này dùng các ứng dụng giao hàng, xe ôm công nghệ để giao hàng cho khách ở TPHCM. Nếu khách ở tỉnh thì nhóm sẽ đóng gói chuyển qua đường bưu điện…
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, nhóm cho người thuê các địa điểm để sản xuất giấy tờ. Sau 1 thời gian, nhóm lại đổi đi nơi khác, phần lớn nhóm dùng giấy tờ giả để đi thuê các địa điểm này. Những nơi mà nhóm thuê thì các đối tượng trong đường dây tìm cách làm thân với người dân xung quanh và mua chuộc với một yêu cầu là “nếu có người lạ lảng vảng xung quanh thì phải báo…
Nhóm này thường lên mạng cập nhật thông tin về các chữ ký của các lãnh đạo, con dấu nhiều ban ngành…để có thể làm giả các giấy tờ khi khách có yêu cầu. Các giấy tờ nhóm khai là có giá từ 300.000 - 500.000 đồng, bằng cấp chứng chỉ, giấy tờ xe… bán theo bộ với giá khoảng 10 triệu đồng/bộ.
Nhiều tháng lần theo đường dây mua bán, sản xuất giấy tờ giả quy mô lớn
Trước đó, qua nhiều tháng đeo bám, chiều ngày 25-8, trinh sát Phòng 6 (C02), Bộ Công an cùng Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Công an tỉnh Đồng Nai và một số đơn vị có liên quan đã tiến hành đồng loạt ập vào nhiều điểm ở TPHCM và tỉnh Đồng Nai.
Tại căn nhà phường Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, công an bắt quả tang Dương và Nguyễn Văn Đạt (SN 1998, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đang làm giấy tờ giả. Khám xét, công an thu giữ nhiều tang vật như: bằng cấp các loại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẻ nhà báo, chứng minh nhân dân, biển số xe các loại,...
Bên cạnh đó, công an thu giữ hàng chục máy móc các loại như: máy in, máy sơn biển số, máy ép, máy dập con dấu, máy dập biển số xe,…cùng nhiều con dấu, phôi giả. Ở các địa điểm ở TPHCM, công an bắt giữ gần 20 đối tượng có liên quan. Tang vật thu giữ hàng trăm giấy tờ, biển số xe giả, máy móc các loại.
Một cán bộ điều tra cho hay, quá trình đeo bám triệt phá đường dây sản xuất mua bán giấy tờ giả này gặp nhiều khó khăn do các đối tượng cầm đầu đều có kinh nghiệm và hết sức tinh vi. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực qua hơn 5 tháng thì các đơn vị đã triệt phá thành công bắt giữ các đối tượng.
Hiện công an đang điều tra mở rộng vụ án.