Thực hiện theo Luật Kiến trúc
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM, ngoài một số khu vực có đồ án lập thiết kế đô thị và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, toàn bộ phần còn lại được quản lý, cấp phép xây dựng dựa trên các quy chế quản lý kiến trúc đô thị được lập theo Nghị định số 38 năm 2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị. Đó là Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TPHCM; Quy chế Quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TPHCM 930ha; Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị Khu biệt thự Làng Đại học Thủ Đức, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức)…
Tuy nhiên, Sở QH-KT TPHCM cho biết, theo Luật Kiến trúc năm 2019, đến ngày 31-12-2021 các quy chế nêu trên sẽ không còn hiệu lực, sẽ được thay thế bằng Quy chế Kiến trúc chung thành phố do UBND TPHCM tổ chức lập và Quy chế Quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn do UBND cấp huyện lập.
Thời gian qua, thành phố đã có nhiều thay đổi, biến động trong quá trình phát triển, trong đó có sự chuyển dịch, biến động lớn về dân số, sự hình thành các dự án trọng điểm, chủ trương chính sách mới; đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nên cần có sự điều chỉnh phù hợp. Để đảm bảo định hướng phát triển đô thị, công tác quản lý xây dựng, làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng, thì việc xây dựng Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị theo Luật Kiến trúc rất cấp bách.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, công tác lập Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị theo Luật Kiến trúc năm 2019 đã được Sở QH-KT TPHCM triển khai. Sau khi công bố dự thảo quy chế, sở đã giới thiệu rộng rãi để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước.
Cơ sở để cấp phép xây dựng
Nhận xét về quy chế này, ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho biết, trước đây, Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị chia làm 2 cấp, còn nay theo quy định của Luật Kiến trúc chỉ còn 1 cấp, quy chế sẽ quản lý toàn bộ, từ định hướng kiến trúc chung của thành phố đến chi tiết của từng khu vực đặc thù. Quy chế cũng tổng hợp những quy định đã có, đồng thời bổ sung các khu vực khác như TP Thủ Đức, đặc thù là thành phố sáng tạo, tương tác cao; hoặc khu vực xung quanh ga metro cũng là khu vực đặc thù…
Rút kinh nghiệm từ các cách làm trước đây, quy chế này được biên soạn dễ hiểu, dễ sử dụng. Theo đó, quy chế chia làm 2 phần, gồm 14 điều và 19 phụ lục. Các điều sẽ là quy định chung, còn phụ lục nêu cụ thể các khu vực. Bên cạnh việc quản lý theo khu vực, quy chế còn phân loại các công trình quản lý riêng như nhà phố, biệt thự… Quy chế kiến trúc là cơ sở để cấp phép xây dựng. Người dân dễ dàng căn cứ vào quy hoạch và quy chế kiến trúc để tìm hiểu công trình của mình sẽ được xây dựng như thế nào.
“Cần có sự phân biệt, quy chế này quy định về kiến trúc trong khu vực đó như thế nào, còn khu vực đó nằm ở đâu, nén như thế nào là do quy hoạch; quy chế dựa trên quy hoạch và phụ trợ cho quy hoạch, làm chi tiết hóa quy hoạch”, ông Trương Trung Kiên nhấn mạnh.
Các nguyên tắc chung trong quản lý kiến trúc tại TPHCM Tuân thủ Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 ngày 13-6-2019 và quy định khác của pháp luật có liên quan. Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. |